Trang chủ / Tin tức chung / Phát triển bền vững ngành thép Việt Nam giai đoạn 2018-2035 nhìn từ góc độ tài nguyên khoáng sản

Phát triển bền vững ngành thép Việt Nam giai đoạn 2018-2035 nhìn từ góc độ tài nguyên khoáng sản

TS NGHIÊM GIA, ThS NGUYỄN QUANG DŨNG, KS BÙI HUY TUẤN 26/09/2018

Trong những năm qua hoạt động thăm dò, khai thác, tuyển, chế biến và kinh doanh khoáng sản (gọi tắt là HĐKS) của ngành Thép Việt Nam đã góp phần đáng kể vào tăng trưởng của ngành công nghiệp Việt Nam.

Sustainable development of Vietnam steel industry in the period 2018-2035 from the point of view of mineral resource

TS NGHIÊM GIA, Hội KHKT Đúc - Luyện kim Việt Nam 
ThS NGUYỄN QUANG DŨNG, Viện Luyện kim đen 
KS BÙI HUY TUẤN, TCTy Thép Việt Nam-CTCP (VNSTEEL) 
Email: nghiemgia53@gmail.com

Trong những năm qua hoạt động thăm dò, khai thác, tuyển, chế biến và kinh doanh khoáng sản (gọi tắt là HĐKS) của ngành Thép Việt Nam đã góp phần đáng kể vào tăng trưởng của ngành công nghiệp Việt Nam [1,2]. Nhưng do việc quản lý HĐKS còn hạn chế đã dẫn đến: i) Năng suất lao động thấp, tổn thất khoáng sản trong khai thác và tuyển cao, chất lượng sản phẩm bị hạn chế; ii) Gây sự cố môi trường về trượt lở bãi thải và tai nạn lao động (TNLĐ) chết người iii) Không chú trọng đầu tư lâu dài cho thăm dò, tìm kiếm mỏ mới và chế biến sâu tài nguyên khoáng sản... 

Để khắc phục các tồn tại đã nêu, cần tìm giải pháp để HĐKS có hiệu quả, tiết kiệm, an toàn và bảo vệ môi trường (BVMT) bền vững, đáp ứng nhu cầu nguyên liệu cho ngành thép Việt Nam giai đoạn 2018-2035 

1. ĐÁNH GIÁ TIỀM NĂNG TÀI NGUYÊN KHOÁNG SẢN ĐỐI VỚI SỰ PHÁT TRIỂN NGÀNH THÉP VIỆT NAM GIAI ĐOẠN 2018-2035 

Tài nguyên khoáng sản (TNKS) được hình thành và tồn tại trong tự nhiên là nguồn lực để phát triển kinh tế-xã hội. TNKS đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển ngành thép Việt Nam. HĐKS mang lại nhiều lợi ích kinh tế và tác động tích cực cho phát triển kinh tế-xã hội, song cũng đã gây tác động đến môi trường tự nhiên (môi trường đất, nước, rừng, biển và hệ sinh thái). TNKS sử dụng cho nhu cầu sản xuất của ngành  thép  Việt  Nam  (bao  gồm:  quặng  sắt, than mỡ, than antraxit, đá vôi, đôlômít, quắc zít,  vật  liệu  chịu  lửa,  dầu  và  khí...) chủ  yếu được khai thác từ các mỏ TNKS trong nước và một phần trong số đó (quặng sắt và than mỡ để luyện than cốc) được nhập khẩu từ các nước trên thế giới.

Đánh giá tiềm  năng  quặng  sắt Việt Nam đối với sự phát triển ngành thép Việt Nam [2]

Quặng sắt Việt Nam có 216 mỏ và điểm mỏ với tổng trữ lượng tài nguyên khoảng 1,28 tỷ tấn, trong đó mỏ Thạch Khê là 544 triệu tấn và mỏ Quý Xa là 112,35 triệu tấn. Nhưng trữ lượng có thể huy động khai thác chỉ khoảng 761,41 triệu tấn; trong đó trữ lượng đã thăm dò cấp A+B+C1 (111+122+211) là 568,18 triệu tấn; cấp C2 (122 và 222) là 93,23 triệu tấn, số còn lại ở cấp dự báo P1 (334a và 334b) với hàm lượng sắt thấp (Fe = 25-40 %). Quặng sắt Việt Nam gồm các loại man- hetít, hematit, limonit, siderit... 

Quặng sắt manhetít có nhiều nhất với trữ lượng 593,47 triệu tấn; tiếp đến là limonít (167,93 triệu tấn). Hàm lượng sắt (Fe) thay đổi lớn từ 23-67 %, hàm lượng Mn và Zn của một số mỏ quặng sắt cao rất nhiều so với quặng sắt trên thế giới. Chỉ có 6 mỏ quặng sắt (mỏ Thạch Khê tỉnh Hà Tính; mỏ Trại Cau và Tiến Bộ tỉnh Thái Nguyên; mỏ Ngườm Cháng và Nà Lũng tỉnh Cao Bằng; mỏ Quý Xa tỉnh Lào Cai) được nghiên cứu đầy đủ. Còn lại nhiều mỏ quặng sắt chỉ thăm dò ở cấp C1(332), C2 (333) và dự báo P2, P3 (33b), vì thế thiếu số liệu tin cậy và chưa đủ cơ sở để lập Dự án đầu tư khai thác và tuyển. 

Mặt khác, quặng sắt thường phân bố rải rác tại các vùng miền núi kém phát triển, giao thông không thuận lợi nên không cho phép khai thác, tuyển và chế biến tập trung với quy mô lớn. Quặng sắt Việt Nam không nhiều, chất lượng không cao và không có tính cạnh tranh so với quặng sắt của nhiều nước trên thế giới. Vì thế, phải tìm mọi giải pháp khai thác hiệu quả các mỏ quặng sắt trong nước, đồng thời chắc chắn phải tính đến việc nhập khẩu quặng sắt (từ Brazin, Úc, Ấn Độ và các nước khác) để trung hoà chất lượng và đảm bảo nhu cầu số lượng cho sản xuất của ngành thép Việt Nam giai đoạn 2018-2035. 

Đánh  giá  tiềm  năng  nguồn  than  đối  với  sự phát triển ngành Thép Việt Nam 

Nguồn than mỡ (để luyện tthan cốc) của Việt Nam rất ít, chỉ tập trung ở mỏ Phấn Mễ và mỏ Làng Cẩm tỉnh Thái Nguyên. Các mỏ này do Công ty Cổ phần Gang-Thép Thái Nguyên (TISCO) khai thác từ 1960 đến nay chỉ còn < 2 triệu tấn. Do số lượng ít và chất lượng không cao (độ tro >15 %) nên TISCO phải nhập than mỡ từ Trung Quốc, Nga, Úc để phối trộn với than mỡ trong nước luyện than cốc hay trực tiếp nhập than cốc để sử dụng cho luyện gang lò cao của TISCO [3,4]. Nguồn than antraxit của Vịêt Nam có nhiều ở vùng Quảng Ninh, chất lượng than khá tốt phù hợp cho các nhà máy nhiệt điện. Đối với sản xuất gang-thép có thể sử dụng (20-30) % than antraxit với than mỡ để luyện than cốc cho lò cao hoặc có thể dùng trực tiếp cho luyện kim phi cốc (công nghệ COREX, MIDREX, FASMET, FINEEX, HYL...). 

Nhu cầu sử dụng than mỡ để luyện than cốc và than antraxit cho sản xuất gang theo công nghệ lò cao của Việt Nam ngày càng tăng cao, nhưng do lượng than mỡ ỏ Thái Nguyên còn rất ít, các mỏ nhỏ ở vùng Tây Bắc có tổng trữ lượng > 3 triệu tấn nhưng chất lượng thấp (do độ tro >21 %, lưu huỳnh cao nên sử dụng không hiệu quả). 

Do đó, việc tìm giải pháp nhằm đảm bảo nhu cầu than cho luyện gang lò cao đang đặt ra thách thức lớn đối với các doanh nghiệp của ngành thép Việt Nam từ nay đến năm 2035 [3]. 

Đánh giá tiềm năng nguồn  nguyên  liệu khác đối với sự phát triển ngành thép Việt Nam 

Nguồn nguyên liệu trợ dung (đá vôi, đôlomit, quaczit,...) khá lớn tập trung ở các tỉnh trong cả nước, đủ cung cấp cho nhu cầu luyện kim. Để sử dụng hiệu quả cho luyện kim cần chú ý nâng cao chất lượng và tìm giải pháp hạ giá thành trong khai thác và chế biến. Nguồn dầu và khí đủ đáp ứng cho ngành luyện kim Việt Nam, nhưng do giá thành khí cao nên chưa có sức thu hút đối với các Dự án sản xuất gang thép có sử dụng khí (công nghệ MIDREX...). Nguồn Mn, Cr,... của Việt Nam có thể đáp ứng đủ nhu cầu cho sản xuất thép hợp kim. 

Do khuôn khổ có hạn, bài viết này chỉ tập trung đánh giá thực trạng và những tồn tại về HĐKS của một số mỏ thuộc Tổng công ty Thép Việt Nam-CTCP (VNSTEEL) để từ đó tìm ra giải pháp (GP) phù hợp cho HĐKS của ngành thép Việt Nam trong giai đoạn 2018-2035.  

2. THỰC TRẠNG HĐKS CỦA TỔNG CÔNG TY THÉP VIỆT NAM-CTCP 

2.1. Thực trạng thăm dò, khai thác, tuyển và chế biến quặng sắt [2] 

Thực trạng  khai thác và tuyển  quặng  sắt mỏ Trại Cau - TISCO 

Mỏ sắt Trại Cau (tỉnh Thái Nguyên) thuộc TISCO là một đơn vị khai thác và tuyển quặng sắt đầu tiên ở Việt Nam theo công nghệ thác mỏ lộ thiên và tuyển rửa. Các thiết bị khai thác nhỏ và vừa phù hợp với công suất khai thác của mỏ Trại Cau 300.000 t/năm. Công nghệ tuyển rửa do Trung Quốc thiết kế và lắp đặt từ năm 1964 gồm các công đoạn: Rửa - Đập nghiền - Sàng phân loại cỡ hạt. Từ khi bắt đầu khai thác (từ năm 1964 đến 2000) mỏ Trại Cau chủ yếu khai thác, tuyển và sử dụng  quặng  sắt  manhetit  mà  chưa  chú  ý  tới quặng sắt limonit. 

Từ năm 2001 đến nay đã khai thác quặng sắt limonit với tỷ lệ 35 % so với manhetit, điều này không phù hợp với trữ lượng của hai loại quặng sắt này ở Thái Nguyên (hiện quặng sắt manhetit chỉ còn < 2 triệu tấn và limonit > 20 triệu tấn). Nguồn quặng sắt còn lại của mỏ Trại Cau và các mỏ nhỏ khác của tỉnh Thái Nguyên có xu thế giảm dần chất lượng theo chiều sâu khai thác, trữ lượng và chất lượng quặng sắt còn lại không bảo đảm sản xuất lâu dài cho TISCO. 

Thực  trạng  khai  thác  và  tuyển  quặng  sắt limonit mỏ Tiến Bộ - TISCO 

Năm 2012 TISCO đã khai thác mỏ quặng sắt Tiến Bộ (tỉnh Thái Nguyên) với công suất 600.000 tấn/năm, giai đoạn I là 300.000 tấn/năm. Công nghệ khai thác và tuyển của mỏ Tiến Bộ tương tự như mỏ Trại Cau nêu trên. Do chất lượng quặng sắt imonit mỏ Tiến Bộ không cao (Fe thấp và Mn cao) nên chỉ sử dụng hiệu quả tối đa 50 % trong sản xuất gang lò cao của TISCO. 

Thực trạng  khai thác và tuyển  quặng  sắt mỏ Ngườm Cháng - TISCO 

Mỏ  Ngườm  Cháng  (tỉnh  Cao  Bằng)  thuộc TISCO được khai thác từ năm 2004 với công suất 170.000 tấn/năm. Công nghệ khai thác lộ thiên và công nghệ tuyển rửa như mỏ Trại Cau. Quặng sắt manhetit của mỏ Ngườm Cháng có hàm lượng Fe > 61 % là nguồn cung cấp tốt nhất cho TISCO. Thực trạng khai thác các mỏ của TISCO cho thấy, nhu cầu quặng sắt manhetit cho sản xuất của TISCO giai đoạn 2018-2035 thiếu trầm trọng. Điều này đặt ra thách thức lớn, nên trước mắt TISCO đã phải thu mua quặng sắt từ các doanh nghiệp mỏ trong nước và nhập quặng manhetit chất lượng cao để trung hoà với quặng sắt do TISCO khai thác. 

Thực  trạng  khai  thác  và  tuyển  quặng  sắt limonit mỏ Quý Xa tỉnh Lào Cai 

Mỏ quặng sắt Quý Xa  (tỉnh Lào Cai) do Công ty Khoáng sản và Luyện kim Việt Trung (VTM) thuộc VSNTEEL quản lý khai thác từ năm 2012 với công suất thiết kế 3.000.000 tấn/năm, giai đoạn I là 1.500.000 tấn/năm, công nghệ khai thác mỏ lộ thiên và tuyển bán khô. Quặng tinh được vận chuyển bằng ôtô về Nhà máy Luyện gang lò cao tại Khu công nghiệp Tằng Loỏng, tỉnh Lào Cai (cách mỏ Quý Xa 35 km). 

Thực  trạng  khai thác và tuyển  quặng  sắt của VNSTEEL nêu trong  bảng 1. 

Bảng 1. Thống kê các mỏ quặng sắt của Tổng công  ty Thép Việt Nam-CTCP (VNSTEEL) tính đến năm 2018

TTTên mỏGiấy phép KTThời gian KT, nămTrữ lượng mỏ, tấnLoại quặng sắtCông suất khai thác, tấn/nămCN khai thác, TuyểnNăm đóng cửa mỏ
Theo thiết kếCòn lại
ICao Bằng        
 1Ngườm Cháng (Cấp lại GP )1475/GP-BTNMT 22/8/2013 4 721.704Khai thác tận thu Manhetit 177.000Lộ thiên, tuyển rửa2017 nộp HS đóng cửa mỏ
IIThái Nguyên        
 1 Núi Đ (thuộc Trại Cau)1521/ĐC 08/10/1969 4 715.356 242.762 Limonit 70.000Lộ thiên, tuyển rửa 2019
 2 Núi Quặng (Trai Cau)1521/ĐC 08/10/1969 3 1.331.324 < 1.000.000 Manhetit 100.000Lộ thiên, tuyển rửa 2019
3Hòa Bình (Trai Cau)1521/ĐC 08/10/19693788.000788.000LimonitĐang lập Dự án KTLộ thiên, tuyển rửaChưa khai thác
 4 Kim Cương (Trai Cau)1521/ĐC 08/10/1969 330.000 30.000 Manhetit Thuê KTLộ thiênChưa khai thác
 5 Tiến Bộ676/GP-BTNMT 31/3/ 2008 30 21.730.000> 15.000.000 Limonit 600.000Lộ thiên, tuyển rửa 2044
IIILào Cai        
 1 Mỏ Quý Xa1226/GP-BTNMT 16/8/ 2007 12 34.500.00030.570.000Limonit 3.000.000 Lộ thiên2020 hết hạn GP
IVHà Tĩnh        
 1Mỏ Thạch Khê (VNSTEEL là Cổ đông sáng lập với 20 % vốn điều lệ) 222/GP- BTNMT 24/2/200947 514.000.000 514.000.000 ManhetítGĐ1: 5 triệu tấn GĐ2: 10 triệu tấn Lộ thiên, tuyển rửa2060 Hiện chưa khai thác

2.2. Thực trạng khai thác và chế biến than mỡ của VNSTEEL [3] 

Thực  trạng  khai  thác  mỏ than  hầm lò  Làng Cẩm (Chi nhánh than Phấn Mễ - TISCO)

Mỏ Làng Cẩm được thiết kế từ năm 1988 với công suất 60.000 tấn/năm, theo công nghệ khai thác hầm lò. Điều kiện khai thác khó khăn do than có tính tự cháy rất cao nên mỏ đã áp dụng phương pháp mở vỉa “phân chia lớp bằng - chèn lò toàn phần - lò chợ ngắn - điều khiển đá vách” dẫn đến giá thành khai thác cao. Sản lượng khai thác bình quân của mỏ Làng Cẩm trong giai đoạn 2005-2015 chỉ khoảng 15.000 tấn/năm. 

Thực  trạng  khai  thác  mỏ than  lộ thiên  Phấn Mễ (Chi nhánh than Phấn Mễ - TISCO) 

Từ năm 1993-1994 một số khu vực mỏ Phấn Mễ được khai thác hầm lò, nhưng do than có tính tự cháy cao, điều kiện địa chất phức tạp đã xảy ra một số vụ cháy mỏ. Vì thế TISCO và VNSTEEL đã trình Bộ Công nghiệp phê duyệt phương án khai thác lộ thiên với công suất 70.000 tấn/năm. Hiện tại mỏ đang sản xuất ổn định, đạt và vượt công suất thiết kế với sản lượng khai thác bình quân bình quân là 100.000 tấn/năm. Thiết bị khai thác gồm máy xúc thủy lực gàu ngược E-2503 (Catepiler của Mỹ), vận tải bằng ôtô Kraz 12 tấn, khoan nổ mìn bằng máy BY-2, máy gạt T-130. Hiện nay mỏ đã khai thác xuống sâu (mức - 200) nên hệ số bóc đất rất lớn (trên 35 m3  đất/m3  than) làm cho giá thành cao. 

Thực  trạng  Nhà máy tuyển  than  (Chi nhánh than Phấn Mễ - TISCO) 

Nhà máy tuyển than do Trung Quốc thiết kế lắp đặt với công suất 250.000 tấn/năm. Than mỡ khai thác từ mỏ Làng Cẩm và Phấn Mễ được vận chuyển về Nhà máy tuyển than (cách khai trường khoảng 3-4 km). Chất lượng than mỡ sau tuyển đảm bảo yêu cầu cho luyện cốc. Than sau khi tuyển được chuyển bằng ô tô về Nhà máy Cốc hóa - TISCO (cách mỏ 40 km) để luyện thành than cốc cho lò cao của TISCO. 

2.3. Thực trạng khai thác và chế biến nguyên liệu trợ dung 

Thực trạng khai thác và chế biến đá vôi 

Mỏ đá vôi Núi Voi do CTy Cơ điện và Luyện kim quản lý khai thác từ năm 1960, đến năm 2000 đã thiết kế cải tạo mở rộng với công suất 300.000 tấn/năm. Mỏ khai thác lộ thiên, với thiết bị: khoan khí nén, máy gạt C100, máy xúc W1002 (dung tích gàu 1 m3), vận chuyển bằng ôtô tải trọng (10-30) tấn. Đá vôi được đưa vào 2 hệ thống đập sàng (công suất 2 x 80 m3/ca) tạo ra sản phẩm có kích thước (3-120) mm đế cung cấp cho nhu cầu luyện gang-thép của TISCO. Thực trạng khai thác và chế biến Đôlômit Mỏ đôlômit Khánh Hoà thuộc quản lý của mỏ đá  Núi  Voi,  công  nghệ  khai  thác  và  chế  biến tương tự như mỏ đá vôi Núi Voi. Hiện tại phải dừng sản xuất (do gần với khu di tích chùa Hang); Mỏ đôlômit Nho Quan tỉnh Ninh Bình thuộc Công ty Cổ phần Đôlomit Việt Nam hiện đang được thiết kế khai thác với công suất thiết kế60.000 tấn/năm theo phương pháp lộ thiên (kết hợp cơ giới với thủ công). 

Thực trạng khai thác và chế biến quaczit 

Mỏ quaczit Phú Thọ (thuộc CTy CP GT Thái Nguyên-TISCO) khai thác từ năm 1985 với công suất 5.000 tấn/năm cung cấp cho TISCO. Công nghệ khai thác lộ thiên, khoan nổ mìn, cậy phá và tuyển chọn thủ công. 

Thực trạng khai thác và chế biết đất sét và vật liệu chịu lửa (VLCL) 

Mỏ đất sét trắng và đất chịu lửa Trúc Thôn thuộc TCTy Cổ phần Trúc Thôn được khai thác từ năm 1964 để sản xuất VLCL, làm chất kết dính cho sản xuất gạch chịu lửa samốt A và B, chế biết đất sét trắng để sản xuất gạch ốp lát (Ceramic). Công nghệ khai thác lộ thiên. Thiết bị: máy xúc thuỷ lực gầu ngược, vận tải ô tô Maz 503, máy gạt T-75. 

2.4. Đánh giá thực trạng HĐKS của ngành thép Việt Nam 

Về tổ chức  và quản lý HĐKS 

Nhận thức về tầm quan trọng của TNKS (đặc biệt là quặng sắt) còn hạn chế, chỉ chú ý phát triển đầu tư các dự án hạ nguồn (nhập phôi để cán thép). Về bộ máy tổ chức HĐKS hiện tại của VNSTEEL không phù hợp với cơ chế thị trường và chưa xứng tầm là một Tổng công ty (TCTy) sản xuất thép lớn của Việt Nam. Theo kinh nghiệm và  thực tế tại các Tập  đoàn/TCTy  có chức năng khai thác, tuyển, chế biến và sử dụng TNKS thì bộ máy tổ chức HĐKS phải có Phòng/Ban chuyên trách về HĐKS. Trong khi đó VNSTEEL và TISCO có rất nhiều mỏ TNKS nhưng không có Phòng/Ban chuyên trách về HĐKS và số cán bộ chuyên trách về HĐKS ở TCTy và TISCO rất thiếu. Công tác chuẩn bị đầu tư cho thăm dò, khai thác, tuyển và chế biến TNKS ít được chú trọng. Trong đó việc đầu tư thăm dò các mỏ mới hầu như không có. Định  hướng  quản  lý  và  HĐKS  không  rõ ràng, thiếu quy hoạch và chiến lược dài hạn phù hợp nhằm đảm bảo nhu cầu quặng sắt cho sản xuất gang-thép. 

Từ năm 2004 đã xây dựng “Quy hoạch phân vùng thăm dò và khai thác khoáng sản phục vụ nhu cầu phát triển ngành thép Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2025” kết quả đã được nghiệm thu công nhận, nhưng Hội đồng quản trị VNSTEEL không phê duyệt để triển khai. Do các hạn chế đã nêu nên VNSTEEL đã mất cơ hội nắm giữ nhiều mỏ khoáng sản đã được nhà nước giao cho quản lý khai thác, trong đó có các mỏ quặng sắt nêu trong “Quy hoạch quặng sắt năm 2006”. Hệ lụy của các tồn tại trên làm mất cơ hội nắm chủ quyền những mỏ quặng sắt lớn và mất cơ hội đầu tư các Dự án thép liên hợp có sử dụng quặng sắt. 

Về công nghệ khai thác, tuyển, chế biến và sử dụng quặng sắt [2] 

Quy  mô  và  sản  lượng  khai  thác  các  mỏ quặng sắt nhỏ. Đến năm 2007 công suất khai thác quặng sắt lớn nhất Việt Nam là mỏ Trại Cau ở mức 300.000 tấn/năm. Từ năm 2007 thành lập CTy CP sắt Thạch Khê (TIC) để khai thác mỏ Thạch Khê với công suất giai đoạn I là 5 triệu tấn/năm. Nhưng do nhiều lý do (đang gây tranh  cãi  lớn)  nên  mỏ  Thạch  Khê  vẫn  chưa được khai thác. Thiết bị công nghệ khai thác đa phần là cũ, lạc hậu và ít được đầu tư đổi mới. Công suất khai thác và tuyển thực tế thấp hơn so với công suất thiết kế. Công nghệ tuyển và chế biến đơn giản, chỉ có khâu tuyển rửa và sàng đập phân cấp cỡ hạt. Thiết bị tuyển khoáng cũ, lạc hậu và ít được đầu tư đổi mới. 

Đến thời điểm 2012 đã có một số doanh nghiệp khai thác mỏ sử dụng tuyển từ để tuyển quặng manhetit cấp hạt mịn có hàm lượng Fe > 32 %, sau tuyển đã nâng hàm lượng Fe = (65-67) %. VNSTEEL chưa đầu tư nhà máy sản xuất quặng  cầu  viên  để  sử  dụng  hiệu  quả  nguồn quặng manhetit cấp hạt mịn (0,047 mm). Trong khi đó một số doanh nghiệp tư nhân (Tập đoàn Thép Hòa Phát và Công ty TNHH Tân Tiến) đến năm 2017 đã đầu tư được 3 nhà máy sản xuất quặng cầu viên tại tỉnh Hà Giang và tỉnh Yên Bái. 

Về quản lý tài nguyên  và bảo vệ môi trường trong  HĐKS 

Hầu hết các doanh nghiệp HĐKS đều tuân thủ theo quy định nêu trong “Giấy phép khai thác mỏ”, đảm bảo tiết kiệm tài nguyên và BVMT. Tuy nhiên do thiếu kiểm tra giám sát nên vẫn để xảy ra một số sự cố trong HĐKS (trượt lở bãi thải số 3 mỏ than Phấn Mễ; Sụt lún đất ở mỏ sắt Trại Cau; Vỡ đập quặng đuôi mỏ sắt Nà Lũng của TKV...) đã làm phát sinh chi phí xử lý và khắc phục hậu quả gây tốn kém và tăng cho phí cho các doanh nghiệp HĐKS. 

Về đầu tư KHCN, hiệu quả và năng suất lao động 

Nhiều đề tài nghiên cứu liên quan đến khai thác và tuyển quặng sắt có giá trị thực tiễn (như đề tài: "Nghiên cứu công nghệ vê viên quặng cám mỏ Trại Cau”; “Nghiên cứu khả năng tuyển tận thu quặng mịn manhetit từ quặng thải của nhà máy tuyển trong hồ chứa quặng đuôi mỏ Trại Cau”...). Nhưng do kinh phí hạn hẹp nên chưa giải quyết vấn đề một cách đồng bộ những vướng mắc về công nghệ trong khai thác và tuyển quặng sắt. Việc áp dụng những kết quả NCKH và những tiến bộ mới trong khâu khai thác và tuyển chậm so với doanh nghiệp tư nhân. 

Chủng loại và giá thành sản phẩm không có khả  năng  cạnh  tranh  so  với  doanh  nghiệp  tư nhân, vì: i) Hiệu quả sản xuất kinh doanh thấp; ii) Chi phí cho quá trình khai thác và tuyển cao. Năng suất lao động thấp so với nhiều nước trong khu vực. Sản lượng khai thác tính trên số lao động của mỏ Trại Cau là 0,3 triệu/năm trên 456 người, trong khi đó mỏ quặng sắt KUZnhet LB Nga tỷ lệ này là 3 triệu tấn/năm trên 1.000 người. 

3. Giải pháp đổi mới quản lý, hiện đại hoá công nghệ khai thác, tuyển và sử dụng hiệu quả TNKS của ngành thép Việt Nam giai đoạn 2018-2035

 Cùng với việc triển khai "Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ ngành thép Việt Nam" cần thiết phải thực hiện "Chiến lược quản lý HĐKS và BVMT của ngành thép Việt Nam giai đoạn 2018-2035" trên cơ sở các mục tiêu tổng về HĐKS và BVMT chung của quốc gia theo một số giải pháp (GP) nêu dưới đây. 

Nâng cao hiệu lực quản lý HĐKS và BVMT 

Nâng cao nhận thức vai trò, vị trí và tiềm năng của TNKS và BVMT đối với sự phát triển của ngành Thép Việt Nam bằng cách: i) Thường xuyên quán triệt để các doanh nghiệp hiểu quyền lợi, nghĩa vụ, quyền hạn, trách nhiệm và thực hiện tốt pháp luật về quản lý HĐKS và BVMT; ii) Rà soát tất cả hồ sơ pháp lý của các đơn vị khai thác mỏ; iii) Phối hợp với Tổng cục ĐCKS Việt Nam (thuộc Bộ TN&MT) tổ chức tập huấn về Luật Khoáng sản (sửa đổi), Luật Bảo vệ môi trường ngày   23/6/2014   (có   hiệu   lực   thi   hành   từ 01/01/2015) và các văn bản pháp luật liên quan; iv) Phối hợp với cơ quan chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử phạt các vi phạm HĐKS và BVMT ở các đơn vị. Kiện toàn tổ chức HĐKS và BVMT theo hướng: i) Thành lập công ty (pháp nhân) để quản lý HĐKS phù hợp điều kiện thực tế và theo quy định của luật pháp hiện hành; ii) Bố trí sắp xếp (tái cơ cấu) quản lý HĐKS và BVMT, kiện toàn biên chế và xây dựng quy chế trách nhiệm đối với cán bộ tham gia công tác quản lý HĐKS và BVMT ở các đơn vị. 

Thực hiện “Chiến  lược thăm dò, khai thác, chế biến  và  sử  dụng  quặng  sắt  giai  đoạn  2015- 2030” (gọi tắt là “Chiến  lược  quặng  sắt”)  với quan điểm và mục tiêu cần đạt được như sau: 

Về quan điểm: i) Thực hiện “Chiến lược quặng sắt” phải phù hợp với nội dung chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Công-Thương về phê duyệt Quy hoạch quặng sắt và Quy hoach phát triển ngành thép Việt Nam; ii) Chú trọng đầu tư khai thác, tuyển quặng sắt manhetit nghèo (hàm lượng Fe thấp) để chế biến sâu (sản xuất quặng cầu viên) nhằm sử dụng hiệu quả nguồn quặng sắt trong nước cho nhu cầu của ngành thép Việt Nam; Về mục tiêu: i) Giai đoạn trước mắt (2015-2020) tập trung nguồn lực thực hiện các dự án đầu tư tìm kiếm mỏ, thăm dò, khai thác, tuyển, chế biến, thu mua và kinh doanh quặng sắt cho nhu  cầu  của  các  doanh  nghiêp;  ii)  Giai  đoạn 2020-2025 duy trí khai thác ổn định các mỏ quặng sắt Quý Xa (tình Lào Cai), mỏ Tiến Bộ (tỉnh Thái Nguyên), chuẩn bị nguồn lực để tiếp tục tham gia dự án mỏ Thạch Khê và các mỏ quặng sắt ở tỉnh Yên Bái để cung cấp quặng sắt manhetit cho nhu cầu  sản  xuất  gang-thép;  iii)  Giai  đoạn  (2025-2030) chuẩn bị các nguồn lực để nghiên cứu dự án thăm dò, khai thác, tuyển và chế biến quặng sắt ở các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên. 

Thực  hiện  giải  pháp  nhằm  đáp ứng  nhu  cầu than cho sản xuất gang theo công nghệ lò cao của Việt Nam [3] 

Nâng cao chất lượng than mỡ và than cốc theo hướng: i) Đầu tư hệ thống đánh tơi của Nhà máy tuyển than Phấn Mễ (vì than mỡ Phấn Mễ chứa sét và độ tro cao); ii) Ngoài việc tăng chất lượng than mỡ trong nước, cần nghiên cứu tỷ lệ phối trộn hiệu quả than mỡ mỏ Phấn Mễ với than mỡ nhập khẩu có chất lượng tốt (từ Úc, Ấn Độ...) để sản xuất than cốc chất lượng cao; iii) Nghiên cứu công nghệ tuyển nhằm giảm độ tro và lưu huỳnh than mỡ vùng Tây Bắc để phối trộn với than mỡ mỏ Phấn Mễ và than mỡ nhập khẩu cho sản xuất than cốc (tỷ lệ thích hợp là: 20 % than mỡ Tây Bắc + 60 % than mỡ Phẫn Mế + 20 % than mỡ nhập khẩu) [3]. Đổi mới công nghệ trong luyện gang lò cao theo hướng: i) Giảm tiêu hao than cốc, phấn đấu đến năm 2025 đạt mức với các nước tiến tiến trong khu vực (với mức tiêu hao 350 kg than  cốc/tấn  gang)  bằng  cách  áp  dụng  phun than cám antraxit (với mức 230 kg/tấn gang) và tăng nhiệt độ gió nóng trong lò cao lên 1.200 oC; ii) Nghiên cứu thay đổi một số kết cấu nội hình lò cao, xây dựng quy trình vận hành và thông số chạy lò cao phù hợp với đặc tính quặng sắt Việt Nam (có Mn và Zn cao); iii) Đầu tư thiết bị kiểm tra chế độ nhiệt để duy trì ổn định nhiệt độ cao tại đỉnh lò cao. Lựa chọn vật liệu xây lò và vữa chèn lò để đảm bảo độ bền chặt và kín nhằm giảm sự phá huỷ tường lò và hạn chế chi phí bão dưỡng lò cao. Nghiên cứu áp dụng công nghệ luyện kim phi cốc (là công nghệ luyện gang không sử dụng than cốc mà chỉ sử dụng than antraxit hay khí thiên nhiên như: Công nghệ COREX, Công nghệ MIDREX, Công nghệ FASMET, Công nghệ FINE- EX...) mà các nước Nam Phi, Hàn Quốc, Ấn Độ, Đức, Mỹ và   Nhật Bản... đã thực hiện khá hiệu quả để sản xuất gang [3]. 

Tăng cường  nguồn lực, đổi mới công nghệ và đầu tư nghiên  cứu cho HĐKS 

Tăng cường nguồn tài chính cho HĐKS bằng việc lập “Quỹ phát triển khoa học và công nghệ”, huy động vốn “xã hội hóa” để đầu tư dự án trọng điểm về thăm dò, khai thác và tuyển quặng sắt. Đầu tư chiều sâu đổi mới công nghệ và thiết bị khai thác, tuyển và chế biến TNKS đạt trình độ tiên tiến trong khu vực, đến năm 2020 loại bỏ và thay thế tất cả các thiết bị cũ và lạc hậu. Triển khai dự án đầu tư sản xuất quặng cầu viên công suất (300.000-500.000) tấn/năm tại vùng Yên Bái để cung cấp quặng sắt cho sản xuất gang lò cao; Đầu tư kinh phí để triển khai một số đề tài NCKH về khai thác, tuyển và chế biến TNKS như sau: i) Nghiên cứu áp dụng “Công nghệ số hoá và phần mềm quản lý tài nguyên" để theo dõi và cập nhật số liệu thực tế khai thác, quản lý tài liệu địa chất quặng sắt Việt Nam phù hợp với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra trên phạm vi toàn cầu; ii) Nghiên cứu các giải pháp nâng cao năng suất khai thác, giảm hệ số bóc đất, tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ môi trường; iii) Nghiên cứu giải pháp sử dụng các moong và bãi thải sau khai thác tại các mỏ; iv) Tăng cường hợp tác với các tổ chức ngoài nước trong nghiên cứu đổi mới công nghệ, đào tạo nhân lực và chuyển giao công nghệ về lĩnh vực HĐKS và BVMT 

KẾT LUẬN 

Việc đánh giá thực trạng HĐKS nêu trên đã chỉ ra được nguyên nhân và những tồn tại trong quản lý HĐKS của ngành thép Việt Nam. Từ đó đề xuất được một số giải pháp nhằm “Đổi mới hiện đại hoá công nghệ khai thác, tuyển và chế biến TNKS của ngành thép Việt Nam giai đoạn 2018-2035”. Đây là những giải pháp có tính định hướng và quan hệ chặt chẽ với nhau, có tính hỗ trợ và thúc đẩy cho nhau. Vì thế, trong quá trình triển khai thực hiện không nên coi nhẹ giải pháp nào mà phải thực hiện đồng bộ mới đạt kết quả và mang lại hiệu quả. 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. “Quy hoạch phát triển hệ thống sản xuất và phân phối thép giai đoạn đến 2020, có xét đến năm 2025” của Bộ Công-Thương, phê duyệt ngày 31/01/2013.
  2. Nghiêm Gia, Nguyễn Quang Dũng, Bùi Huy Tuấn và nnk; “Chiến lược thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng sắt Tổng công ty Thép Việt Nam-CTCP giai đoạn 2015-2030”, Hà Nội, 2014.
  3. Nghiêm Gia, Nguyễn Văn Sưa và nnk; “Giải pháp đảm bảo nhu cầu than cho luyện gang lò cao của ngành Thép Việt Nam”, Hội thảo KH mỏ toàn quốc, tháng 8-2017.
  4. Phạm Chí Cường, “Một số ý kiến về điều chỉnh Quy hoạch phát triển hệ thống sản xuất và phân phối thép giai đoạn đến 2020, có xét đến năm 2025 của Bộ Công-Thương, Tạp chí Kim loại số 75, tháng 12/2017.