Nguồn cung thép phế trong tương lai
TS NGUYỄN VĂN SƯA 23/07/2018

Như vậy, thép phế sẽ tăng thêm khoảng 500 triệu tấn trong 30 năm tới và vẫn là một trong các nguồn nguyên liệu chính cho luyện thép.
The future of global scrap availabiltity
TS NGUYỄN VĂN SƯA
Hiệp hội Thép Việt Nam
Ngành công nghiệp thép thế giới đang sử dụng 2 loại dây chuyền công nghệ chính để sản xuất thép:
- Quặng sắt → Luyện gang → Luyện thép bằng lò chuyển (BOF) → Đúc phôi - Thép phế → Luyện thép bằng lò điện hồ quang (EAF) → Đúc phôi
Loại dây chuyền thứ hai hay dây chuyền ngắn sử dụng nguyên liệu đầu vào chủ yếu là thép phế. Tỷ lệ thép lò điện hồ quang của thế giới, Trung Quốc và phần còn lại từ năm 1950 đến 2016 được nêu trên hình 1.

Nguồn cung thép phế năm 2017 được xác định khoảng 750 triệu tấn, trong đó 630 triệu tấn được dùng cho ngành công nghiệp thép và đúc thế giới. Các chuyên gia dự báo rằng nguồn cung thép phế của toàn thế giới sẽ đạt 1 tỷ tấn vào năm 2030 và 1,3 tỷ tấn vào năm 2050. Như vậy, thép phế sẽ tăng thêm khoảng 500 triệu tấn trong 30 năm tới và vẫn là một trong các nguồn nguyên liệu chính cho luyện thép. Tăng trưởng nguồn cung thép phế từ năm 1950 đến nay và dự báo đến năm 2050 được nêu trên hình 2.

Các nước đang phát triển
Tăng trưởng nguồn cung thép phế mạnh nhất là các nước đang phát triển, đặc biệt là Trung Quốc. Điều này được phản ảnh từ sự tăng trưởng mạnh mẽ trong việc sử dụng thép của họ từ những năm 1990 đến nay. Nguồn cung thép phế của Trung Quốc hiện nay khoảng 200 triệu tấn, sẽ tăng lên 300 triệu tấn vào năm 2030 và 400 triệu tấn vào năm 2050 (Hình 3).

Hiện tại Trung Quốc sản xuất thép bằng lò điện hồ quang tương đối ít, chỉ chiếm khoảng 5,2 % trong khi bằng lò chuyển chiếm tới 94,8 % (năm 2016). Vừa qua chính phủ Trung Quốc đã đóng cửa tất cả các lò cảm ứng luyện thép với tổng công suất thiết kế tới 140 triệu tấn/năm và sản lượng thực tế khoảng (30 ÷ 50) triệu tấn/năm. Vì vậy, số lượng thép phế sử dụng ở Trung Quốc giảm nhiều. Tuy nhiên, trong 5 năm tới Trung Quốc cũng sẽ lắp đặt nhiều lò điện hồ quang mới với tổng công suất thiết kế ước khoảng 50 triệu tấn/năm. Ở các nước đang phát triển khác như Ấn Độ và các nước ASEAN đang phát triển mạnh ngành công nghiệp thép nên cũng góp phần vào sự tăng trưởng nguồn cung thép phế. Nguồn cung thép phế của Ấn Độ và các nước ASEAN sẽ tăng gấp đôi trong vòng 15 năm tới.
Phần còn lại của thế giới
Nguồn cung thép phế của phần còn lại của thế giới sẽ tăng trưởng chậm hơn nhiều so với các nước đang phát triển. Nguồn thép phế của khối Bắc Mỹ, EU và Nhật Bản đại diện cho các nước đã phát triển ổn định khoảng 320 triệu tấn/năm và sẽ đạt khoảng 350 triệu tấn vào năm 2030. Nguồn thép phế của các nước phát triển, Trung Quốc và phần còn lại của thế giới đến nay và dự báo đến năm 2050 được nêu trên hình 4.

Mười nước xuất khẩu nhiều thép phế nhất trong năn 2016 được nêu trên hình 5.
