Trang chủ / Tin tức chung / Ngành công nghiệp thép Việt Nam năm 2019

Ngành công nghiệp thép Việt Nam năm 2019

TS NGUYỄN VĂN SƯA 30/04/2020

Trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều diễn biến phức tạp và khó khăn, thách thức nhưng kinh tế Việt Nam năm 2019 đã đạt được nhiều thành tích ấn tượng. Tăng trưởng GDP năm 2019 đạt 7,02 % so với năm trước.

Vietnam steel industry in 2019

TS NGUYỄN VĂN SƯA

1. TÌNH HÌNH KINH TẾ VĨ MÔ 

Trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều diễn biến phức tạp và khó khăn, thách thức nhưng kinh tế Việt Nam năm 2019 đã đạt được nhiều thành tích ấn tượng. Tăng trưởng GDP năm 2019 đạt 7,02 % so với năm trước. Trong đó: 

- Ngành công nghiệp tăng 8,86 % 
- Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 11,29 % 

Đó là các nhân tố tác động tích cực đối với ngành công nghiệp thép nước ta. Tuy nhiên, giải ngân lĩnh vực đầu tư công vẫn chỉ đạt tỷ lệ thấp so với kế hoạch nên phần nào làm cho tăng trưởng của ngành thép chưa đạt như kỳ vọng. Trên thế giới, thị trường thép toàn cầu có dấu hiệu chậm lại. Do tăng trưởng công suất vượt xa tăng trưởng nhu cầu nên việc cạnh tranh đã diễn ra ngày càng khốc liệt. Hơn nữa, chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch diễn ra mạnh mẽ ở nhiều nước trên thế giới. 

Vì vậy, việc xuất khẩu các sản phẩm thép của chúng ta gặp nhiều khó khăn. Hoa Kỳ áp dụng thuế lẩn tránh thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp hơn 456 % đối với thép cán nguội (CRS) và thép chống ăn mòn (CORE) của Việt Nam nếu không chứng minh được nguồn gốc xuất xứ và 29,4 % đối với thép CORE; 24,2 % đối với CRS nếu  dùng nguyên liệu (thép cuộn cán nóng) nhập khẩu từ Hàn Quốc và 10,34 % đối với thép CRS nếu dùng nguyên liệu nhập khẩu từ  Đài Loan. Malaysia áp dụng thuế chống bán phá giá đối với thép cuộn cán nguội và thép không hợp kim của nước ta là (7,70÷20,13) %. Canada cũng đang tiến hành điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với thép chống ăn mòn từ Việt Nam và một số nước khác. Cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung tuy chưa có ảnh hưởng nhiều đến ngành thép Việt Nam nhưng chúng ta vẫn phải tiếp tục theo dõi để tránh những hậu quả tiêu cực có thể. 

Hình 1. Diễn biến giá nguyên liệu sản xuất thép năm 2019

 2THỊ TRƯỜNG NGUYÊN LIỆU THẾ GIỚI 

Giá của các loại nguyên liệu, bán thành phẩm và thành phẩm thép trên thị trường thế giới trong năm 2019 thay đổi liên tục và thất thường. Vì phải nhập khẩu phần lớn nguyên liệu từ nước ngoài (quặng sắt, than mỡ luyện cốc, thép phế, điện cực graphit, vật liệu chịu lửa, thép cuộn cán nóng,...) nên giá thành sản phẩm thép của nước ta chịu ảnh hưởng rất nhiều vào thị trường thế giới. 

Số lượng nguyên liệu nhập khẩu năm 2019 gồm: 

- Quặng sắt: 13 triệu tấn 
- Than mỡ luyện cốc: 5 triệu tấn 
- Thép phế: 5,35 triệu tấn 
- Thép cuộn cán nóng: 5 triệu tấn 

Diễn biến giá cả các loại nguyên liệu được nêu trên hình 1. 

3. KẾT QUẢ SẢN XUẤT KINH DOANH 

3.1. Sản xuất gang 

Ngành sản xuất gang nước ta trong năm 2019 có 2 lò cao 100 m3, 2 lò 179 m3, 1 lò 350 m3, 1 lò 450 m3, 1 lò 500 m3, 1 lò 700 m3, 1 lò 1.080 m3 và 2 lò 4.350 m3 của 6 đơn vị sản xuất gang (Công ty Gang-Thép Thái Nguyên, Tập đoàn Hòa Phát, Công ty liên doanh Khoáng sản và Luyện kim Việt- Trung, Công ty Gang-Thép Tuyên Quang, Công ty CP Thép Cao Bằng và Công ty TNHH Thép Formosa), sản lượng gang đạt 9,90 triệu tấn, tăng 21,9 % so với năm 2018. Sản lượng gang và tốc độ tăng trưởng gang của Việt Nam từ năm 2015 đến năm 2019 được nêu trên hình 2 và hình 3. 

Hình 2. Sản lượng gang (2015 ÷ 2019)
Hình 3. Tốc độ tăng trưởng sản lượng gang 2015 - 2019

Hình 3 cho thấy tốc độ tăng trưởng trong sản xuất gang giai đoạn 2015 - 2019 đạt rất cao, do trong giai đoạn này có nhiều lò cao vừa và lớn của Hòa Phát và Formosa đi vào hoạt động, đặc biệt là năm 2016 (lò 450 m3); năm 2017 (lò 700 m3 và 4.350 m3) và năm 2018 (lò 4.350 m3 thứ hai). 

3.2. Sản xuất thép thô 

Sản xuất thép thô (bao gồm cả billet, bloom và slab) năm 2019 đạt 17,72 triệu tấn; tăng 14,5 % so với năm 2018. Sản lượng thép thô của Việt Nam từ năm 2015 đến 2019 được nêu trên hình 4. 

Hình 4. Sản lượng thép thô (2015 − 2019)

Với sản lượng 17,7 triệu  tấn  thép  thô  năm 2019, so với các nước trên thế giới chúng ta đứng ở vị trí thứ 15 (xem hình 5). Như vậy, sản lượng thép thô của Việt Nam năm 2019 đã vượt nước Pháp (14,5 triệu tấn). Thép thô ở nước ta được sản xuất bằng công nghệ lò chuyển thổi oxy và lò điện (bao gồm lò điện hồ quang và lò cảm ứng). Sản lượng thép lò điện đạt 7,72 triệu tấn, chiếm 43,6 % tổng sản lượng thép thô. Thiết bị lò điện bao gồm lò điện hồ quang từ 20 t đến 120 t và lò cảm ứng từ 12 t đến 60 t. Trong khi đó, sản lượng thép lò chuyển đã đạt 10 triệu tấn, vượt thép lò điện và chiếm 56,4 % tổng sản lượng thép thô. Các lò chuyển có dung lượng từ 20 t đến 320 t.

Hình 5. Sản lượng thép thô của 15 nước dẫn đầu năm 2019

Tốc độ tăng trưởng sản lượng thép thô trong giai đoạn 2015 - 2019 được nêu trên hình 6. 

 

Năm 2015 sản lượng thép thô so với năm 2014 có tốc độ tăng trưởng âm vì năm đó Việt Nam nhập khẩu tới 2 triệu tấn phôi. Các năm (2016-2018) lại đạt tốc độ rất cao nhờ vào sự tăng trưởng đột biến của sản lượng gang như đã nêu ở trên và năm 2019 thì chững lại, chỉ còn 14,5 %. 

3.3. Sản xuất và tiêu thụ thép thành phẩm 

Thép xây dựng 

Năm 2019, sản lượng thép xây dựng đạt 11,66 triệu tấn; tăng 5,5 % so với năm 2018. Về tiêu thụ, năm nay lượng thép xây dựng tiêu thụ được 11,69 triệu tấn; tăng 5,8 % so với cùng kỳ năm trước. 

Thép cuộn cán nóng (HRC) 

Năm 2019, sản lượng thép cuộn cán nóng đạt 4,13 triệu tấn; tăng 20,1 % so với năm 2018 và bán hàng đạt 4,10 triệu tấn; tăng 23,5 % so với năm trước. Lượng thép cuộn cán nóng sản xuất đã giúp chúng ta giảm nhập khẩu và đảm bảo xuất xứ Việt Nam cho những mặt hàng gia công tiếp theo như thép cuộn cán nguội và thép tôn mạ và sơn phủ màu khi xuất khẩu, đặc biệt là đi Hoa Kỳ, Canada và Châu Âu. 

Thép cuộn cán nguội  (CRC) 

Năm 2019 sản xuất thép cuộn cán nguội đạt 3,95 triệu ấn; tăng 2,1 % so với năm 2018. Về bán hàng, lượng thép cuộn cán nguội tiêu thụ trong năm 2019 đạt 2,29 triệu tấn (chưa kể thép cuộn cán nguội của Tập đoàn Hoa Sen và Tôn Đông Á được dùng trong nội bộ để sản xuất tôn mạ và tôn màu khoảng 1,5 triệu tấn), tăng 2,9 % so với năm trước. 

Thép ống hàn 

Sản lượng thép ống hàn năm 2019 đạt 2,72 triệu tấn; tăng 2 % so với năm 2018. Về bán hàng ống thép hàn đạt 2,75 triệu tấn; tăng 3 % so với năm trước. Tôn mạ và tôn màu Sản lượng tôn mạ và tôn sơn phủ màu trong năm 2019 đạt 4,55 triệu tấn; giảm 3,8 % so với năm 2018. Về bán hàng, tổng lượng tôn mạ và tôn sơn phủ màu bán được trong năm 2019 đạt 4,06 triệu tấn; giảm 1,7 % so với năm 2018. 

Tổng hợp các loại sản phẩm thép 

Tổng các loại sản phẩm thép sản xuất trong năm 2019 đạt 27,01 triệu tấn, tăng 4,9 % so với năm 2018. Về bán hàng các loại sản phẩm thép trong năm 2019 đạt 24,89 triệu tấn; tăng 6,8 % so với năm 2018 (xem bảng 1).

Bảng 1. Sản xuất và tiêu thụ thép trong năm 2019 Đơn vị tính: Triệu tấn

Ngành hàngNăm 2019So với năm 2018 (%)
Sản xuấtTiêu thụSản xuấtTiêu thụ
Thép xây dựng11,6611,69+5,5+5,8
Thép HRC4,134,10+20,1+23,5
Thép CRC3,952,29+2,1+2,9
Thép ống hàn2,722,75+2,0+3,0
Tôn mạ và màu4,554,06-3,8-1,7
Tổng27,0124,89+4,9+6,8

 Từ các số liệu trong bảng 1 ta thấy động lực chính cho sự tăng trưởng của ngành thép Việt Nam trong năm 2019 là các phân ngành sản xuất thép xây dựng và thép cuộn cán nóng. Các phân ngành sản xuất thép cuộn cán nguội và thép ống hàn chỉ tăng trưởng ít chút. Thậm chí phân ngành sản xuất tôn mạ và sơn phủ màu còn giảm so với năm 2018.

Hình 7. Sản lượng các loại sản phẩm thép cuối cùng giai đoạn (2015-2019)
Hình 8. Tốc độ tăng trưởng các loại sản phẩm thép cuối cùng giai đoạn (2015-2019)

 Sản lượng và tốc độ tăng trưởng các loại sản phẩm thép cuối cùng trong giai đoạn (2015-2019) được nêu trên hình 7 và hình 8. Từ hình 8 thấy tốc độ tăng trưởng các loại sản phẩm thép cuối cùng những năm (2015-2018) đạt rất cao, từ 16,6 đến 23,9 %. Tuy nhiên, đến năm 2019 tốc độ này giảm khá sâu, chỉ còn 4,9 %. 

3.4. CÔNG TÁC XUẤT- NHẬP KHẨU 

Nhập khẩu 

Số lượng nhập khẩu thép các loại năm 2019 đạt 14,55 triệu tấn, tăng 7,57 % so với năm trước. Về kim ngạch đạt 9,51 tỷ USD, giảm 3,9 % so với năm 2018. Nhà cung cấp thép lớn nhất cho Việt Nam trong năm 2019 vẫn là Trung Quốc, nhưng tỷ trọng giảm còn 35,3 %. Tiếp theo là Ấn Độ (15,2 %), Nhật Bản (14,3 %), Hàn Quốc (12,1 %) và Đài Loan (11 %). 

Xuất khẩu 

Trong năm 2019 ngành thép Việt Nam đã có nhiều cố gắng trong công tác xuất khẩu các loại sản phẩm thép, mặc dù gặp phải chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch đang thịnh hành trên thế giới. Số lượng xuất khẩu năm 2019 đạt 6,68 triệu tấn, giảm 2,6 % và kim ngạch đạt 4,2 tỷ USD, giảm 19,2 % so với năm 2018. Các sản phẩm thép nước ta chủ yếu được xuất khẩu sang các nước trong khối ASEAN (62,48 %). Tiếp theo là Trung Quốc (6,62 %), Hoa Kỳ (5,75 %), EU (4,98 %), Hàn Quốc (3,38 %), Nhật Bản (3,09 %) và Đài Loan (3,06 %).