Ngành công nghiệp thép Việt Nam năm 2017
TS NGUYỄN VĂN SƯA 06/03/2018
Năm 2017 nền kinh tế Việt Nam đạt được các kết quả ngoạn mục. Tốc độ tăng trưởng GDP đạt 6,81% vượt năm 2016, cao nhất trong một thập kỷ qua.
Vietnam steel industry in 2017
TS NGUYỄN VĂN SƯA
Hiệp hội Thép Việt Nam
1. BỐI CẢNH KINH TẾ
Năm 2017 nền kinh tế Việt Nam đạt được các kết quả ngoạn mục. Tốc độ tăng trưởng GDP đạt 6,81% vượt năm 2016, cao nhất trong một thập kỷ qua. Trong đó tăng trưởng ngành công nghiệp chế biến và chế tạo đạt 14,5 %, thu hút vốn đầu tư nước ngoài đạt gần 17 tỷ USD, thị trường bất động sản hồi phục nên nhu cầu thép tăng lên. Đây chính là điều kiện thuận lợi cho ngành thép nước ta tăng trưởng trong năm 2017. Năm 2017 cũng là năm ngành thép phải đối mặt với nhiều vụ kiện phòng vệ thương mại của các nước đối với các sản phẩm thép xuất khẩu của nước ta. Điển hình là các vụ điều tra chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp của Hoa Kỳ đối với tôn mạ và sơn phủ màu, điều tra chống bán phá giá của Australia, Malaysia, Thái Lan, Indonesia, Ấn Độ,... đối với thép dây và tôn mạ và phủ màu. Bên cạnh đó, năm 2017 cũng là năm chính phủ đã áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại (tự vệ đối với phôi thép và thép dài, tôn màu và chống bán phá giá đối với tôn mạ và thép hình H) để bảo vệ ngành thép trong nước. Các biện pháp này đã có tác dụng tích cực đối với ngành thép.
2. THỊ TRƯỜNG NGUYÊN LIỆU
Hàng năm ngành thép nước ta phải nhập khẩu nhiều nguyên liệu về phục vụ cho sản xuất. Vì vậy, giá nguyên liệu trên thế giới có ảnh hưởng nhiều đến hiệu quả sản xuất thép trong nước. Giá các loại nguyên liệu cho sản xuất thép trên thị trường thế giới năm 2017 đã liên tục tăng trong cả năm nay. Quặng sắt: Giá quặng sắt cuối tháng 12/2016 khoảng 81,48 USD/t. Sang năm 2017 giá quặng sắt tăng dần và đạt đỉnh trên 90 USD/t vào tháng 2. Sau đó lại giảm và lên xuống thất thường. Đến cuối năm (28/12) giá còn 72,62 USD/t. Nhìn chung, cả năm 2017 giá quặng sắt đã tăng 16,5 % so với trung bình cả năm 2016. Than mỡ luyện cốc: Đầu năm 2017 giá than mỡ luyện cốc có giá 180 USD/t đã tăng liên tục và đạt 245 USD/t vào tháng 4. Giá than mỡ hiện tại (28/12) khoảng 201,8 USD/t. Giá chung cho cả năm 2017 tăng 15 % so với năm 2016. Giá than cốc cũng tăng theo tương ứng và cuối năm 2017 là 304,16 USD/t. Tính chung cho cả năm 2017 tăng 35 %. Thép phế: Giá thép phế trên thị trường thế giới liên tục tăng từ đầu năm đến nay. Nếu như giá trung bình thép phế nhập khẩu về Việt Nam tháng 1/2017 là 290 USD/t thì đến tháng 4/2016 là 199 USD/t, tháng 7 là 248 USD/t, tháng 10 là 237 USD/t và tháng 12 là 360 USD/t; tăng 24,1 % so với đầu năm. Phôi thép: Giá phôi thép cũng liên tục tăng theo đà của giá thép phế. Giá phôi thép nhập khẩu bình quân trong tháng 1/2017 là 400 USD/t. Đến tháng 9/2017 đã tăng lên 537 USD/t. Cuối tháng 12 giá phôi là 536 - 540 USD/t, tăng 35 % so với đầu năm. Điện cực graphit: Đây là loại vật tư có giá tăng đột biến trong năm 2017 và đã gây khó khăn đáng kể cho các nhà máy luyện thép bằng lò điện hồ quang. Đầu năm giá điện cực chỉ khoảng 5.000 - 6.000 USD/t. Nhưng giá từ tháng 7 bắt đầu tăng và đạt đỉnh điểm vào tháng 10 với mức giá 25.000 - 30.000 USD/t. Đã vậy, nguồn cung lại khan hiếm do Trung Quốc cắt giảm sản lượng than. Hiện tại giá điện cực graphit đã giảm xuống còn 10.000 - 13.000 USD/t. Thép cuộn cán nóng (HRC): Thép cuộn cán nóng là loại sản phẩm mà nước ta phải nhập khẩu 100% do trong nước chưa có cơ sở sản xuất. Giá trung bình của thép cuộn cán nóng nhập khẩu vào nước ta tháng 1/2017 là 480 USD/t và đến tháng 9/2017 giá loại mặt hàng này tăng lên 600 USD/t và tháng 12 là 565-570 USD/t, tăng 18,5 % so với đầu năm.
3. KẾT QUẢ SẢN XUẤT KINH DOANH
3.1. Sản xuất gang
Sản xuất gang là khâu phát triển chậm nhất trong ngành công nghiệp thép Việt Nam. Tuy nhiên, 5 năm trở lại đây sản lượng gang của nước ta tăng trưởng nhanh chóng: 700.000 tấn cho 2013; 1,4 triệu tấn cho 2014; 1,7 triệu tấn cho 2015 và 2,6 triệu tấn cho 2016. Đặc biệt, từ tháng 6 năm nay có thêm lò cao số 1 của Formosa đi vào sản xuất nên sản lượng gang năm nay đạt 4.250.000 tấn, tăng 63,8 % so với năm 2016.
3.2 Sản xuất phôi
Cùng với sự tăng trưởng của sản lượng gang, sản lượng phôi thép năm nay cũng tăng khá ấn tượng; đạt 11,5 triệu tấn; tăng 47,4 % so với năm 2016. Đặc biệt, trong số này có khoảng 1,2 triệu tấn phôi dẹt để sản xuất thép cuộn cán nóng. Số phôi thép này được sản xuất bằng các công nghệ: - Lò chuyển: 4,05 triệu tấn, chiếm 35,2 % - Lò điện hồ quang: 6,55 triệu tấn, chiếm 57 % - Lò cảm ứng: 0,9 triệu tấn, chiếm 7,8 %
3.3 Sản phẩm cuối cùng
Sản xuất và tiêu thụ thép xây dựng
Năm 2017 ngành thép sản xuất được 9.924.000 tấn thép xây dựng, tăng 14,6 % so với năm 2016. Về tiêu thụ, năm 2017 ngành thép tiêu thụ được 9.827.000 tấn thép xây dựng, tăng 13,8 % so với năm 2016.
Sản xuất và tiêu thụ thép cuộn cán nguội
Năm 2017 sản xuất thép cuộn cán nguội đạt 3.825.000 tấn; tăng 4,2 % so với năm 2016. Về bán hàng, lượng thép cuộn cán nguội tiêu thụ năm 2017 đạt 1.995.000 tấn, giảm 4 % so với năm trước (chưa kể thép cuộn cán nguội của Tập đoàn Hoa Sen và Tôn Đông Á được dùng trong nội bộ để sản xuất tôn mạ và tôn màu khoảng 1,5 triệu tấn).
Sản xuất và tiêu thụ ống thép hàn
Sản lượng thép ống hàn năm 2017 của toàn ngành đạt 2.307.000 tấn; tăng 11,9 % so với năm 2016. Về bán hàng ống thép hàn năm 2017 đạt 2.290.000 tấn, tăng 16,1 % so với năm 2016.
Sản xuất và tiêu thụ tôn mạ các loại
Sản lượng tôn mạ và tôn phủ màu trong năm 2017 của toàn ngành đạt 4.594.000 tấn; tăng 33,6 % so với năm 2016. Về bán hàng, tổng lượng tôn mạ và sơn phủ màu bán được trong năm 2017 đạt 3.640.000 tấn; tăng 22,1 % so với năm 2016.
Sản xuất thép cuộn cán nóng
Mặc dù mới bắt đầu vào sản xuất từ tháng 7 nhưng sản lượng thép cuộn cán nóng năm nay đã đạt 1,2 triệu tấn. Điều này rất có ý nghĩa:
- Giúp giảm bớt nhập khẩu thép cuộn cán nóng, một loại bán thành phẩm mà từ trước tới nay chúng ta vẫn phải nhập khẩu với số lượng hàng chục triệu tấn/năm.
- Tạo điều kiện thuận lợi cho việc xuất khẩu các loại sản phẩm thép cuộn cán nguội, ống thép và tôn mạ và sơn phủ màu, đặc biệt là sang Hoa Kỳ và EU.
Tổng hợp các loại sản phẩm thép
Tổng các loại sản phẩm thép sản xuất năm 2017 đạt 22.027.000 tấn, tăng 24 % so với năm 2016. Về bán hàng trong năm 2017 của tất cả các loại sản phẩm thép đạt 18.922.000 tấn, tăng 21 % so với năm 2016 (xem bảng 1).
Bảng 1. Sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm thép năm 2017 Đơn vị tính: 1000 tấn
TT | Sản phẩm | 2017 | So với cùng kỳ, % | ||
Sản xuất | Tiêu thụ | Sản xuất | Tiêu thụ | ||
1 | Thép xây dựng | 9.924 | 9.827 | 14,5 | 13,8 |
2 | Thép cán nguội | 3.825 | 1.995 | 4,2 | -4 |
3 | Ống thép hàn | 2.307 | 2.290 | 11,9 | 16,1 |
4 | Tôn mạ và SPM | 4.594 | 3.640 | 33,6 | 22,1 |
5 | HRC | 1.378 | 1.170 | - | - |
Tổng cộng | 22.027 | 18.922 | 24 | 21 |
Điểm nổi bật trong năm nay là trong 5 loại sản phẩm thép thì 4 loại: thép xây dựng, thép cuộn cán nóng, ống thép hàn và tôn mạ các loại tăng trưởng cao. Riêng thép cuộn cán nguội tiêu thụ giảm.
4. XUẤT NHẬP KHẨU
Nhập khẩu
Do ngành thép Việt Nam phát triển chưa đồng bộ giữa các khâu, đặc biệt là thép cuộn cán nóng (HRC) và các loại thép hợp kim chưa sản xuất trong nước nên hàng năm vẫn phải nhập khẩu một số lượng rất lớn nguyên liệu và bán thành phẩm phục vụ cho sản xuất. Năm 2017 chúng ta đã nhập khẩu 15 triệu tấn thép các loại, giảm 14,5 % so với năm 2016. Nguyên nhân của nhập khẩu giảm là do các biện pháp phòng vệ thương mại của ta đã phát huy tác dụng và năm nay bước đầu đã sản xuất được thép cuộn cán nóng. Các nước cung cấp thép chủ yếu là Trung Quốc (46,5 %), Nhật Bản (15,2 %), Hàn Quốc (11,4 %), Đài Loan (10,6 %) và Ấn Độ (10,2 %). Ngoài ra, năm 2017 chúng ta cũng phải nhập khẩu một lượng lớn nguyên liệu để phục vụ cho sản xuất: - Quặng sắt: khoảng 3,5 triệu tấn - Than mỡ luyện cốc: khoảng 2,5 triệu tấn - Thép phế: khoảng 4,5 triệu tấn - Và nhiều loại vật tư khác như điện cực graphit, ferro các loại, vật liệu chịu lửa,...
Xuất khẩu
Năm 2017 ngành thép Việt Nam đã có nhiều cố gắng trong công tác xuất khẩu các loại sản phẩm thép mặc dù gặp phải nhiều vụ kiện phòng vệ thương mại của các nước. Số lượng sản phẩm thép xuất khẩu năm 2017 đạt 4,7 triệu tấn, tăng 28 % so với năm trước. Các sản phẩm thép nước ta chủ yếu được xuất khẩu sang các nước trong khối ASEAN (59,3 %), Hoa Kỳ (11,1 %) và EU (9,0 %).
5. KẾT LUẬN
- Ngành công nghiệp thép nước ta năm 2017 đã đạt mức độ tăng trưởng cao so với năm 2016: sản xuất tăng 24 % và tiêu thụ tăng 21 %. Ngành thép năm 2017 đã đóng góp khoảng 3,8 % vào tổng GDP của cả nước.
- Nhập khẩu các sản phẩm thép năm 2017 đạt 15 triệu tấn, giảm 14,5 % so với năm 2017 do chúng ta đã ngăn chặn các sản phẩm mà trong nước đã sản xuất được (thép xây dựng, tôn mạ và sơn phủ màu) và bước đầu tự túc được một phần nhu cầu thép cuộn cán nóng.
- Xuất khẩu các sản phẩm thép năm 2017 đạt 4,7 triệu tấn, tăng 28 % so với năm trước.
- Với tiền đề tốt đẹp của năm 2017, ngành thép nước ta trong năm 2018 sẽ phát triển bền vững hơn.