Trang chủ / Tin tức chung / Ngành công nghiệp thép Việt Nam 6 tháng đầu năm 2019

Ngành công nghiệp thép Việt Nam 6 tháng đầu năm 2019

TS NGUYỄN VĂN SƯA 13/10/2019

Trong bối cảnh kinh tế thế giới tăng chậm lại, kinh tế Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2019 đã đạt được thành tích khá ấn tượng. Tăng trưởng GDP 6,78% so với cùng kỳ năm trước.

Vietnam steel industry in the first 6 months 2019

TS NGUYỄN VĂN SƯA

1. TÌNH HÌNH KINH TẾ VĨ MÔ 

Trong bối cảnh kinh tế thế giới tăng chậm lại, kinh tế Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2019 đã đạt được thành tích khá ấn tượng. Tăng trưởng GDP 6,78% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: 

- Ngành công nghiệp tăng 9,13 % 
- Công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 11,18 % 

Các hiệp định FTA thế hệ mới đã được ký kết: CP TTP đã chính thức có hiệu lực từ đầu năm 2019 và EVFTA vừa được ký kết đã mở ra nhiều cơ hội cho nước ta nói chung và ngành thép nói riêng. Tuy nhiên, chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch vẫn tiếp tục diễn ra mạnh mẽ ở nhiều nước trên thế giới. Vì vậy, việc xuất khẩu các sản phẩm thép của chúng ta gặp nhiều khó khăn. Cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đang ở giai đoạn căng thẳng. Hiện tại chưa có ảnh hưởng nhiều đến ngành thép thế giới cũng như Việt Nam. Tuy nhiên, chúng ta phải tiếp tục theo dõi để tránh những hậu quả tiêu cực có thể xảy ra.  

2. THỊ TRƯỜNG NGUYÊN LIỆU THẾ GIỚI 

Giá của các loại nguyên liệu cho ngành thép trên thị trường thế giới trong 6 tháng đầu năm 2019 thay đổi liên tục và ở mức cao, đặc biệt là giá quặng sắt do ảnh hưởng của sự cố xảy ra tại mỏ khai thác quặng sắt ở Brazil. Giá quặng sắt đầu tháng 7/2019 đã tăng lên 115 USD/t CFR tại cảng Thiên Tân, Trung Quốc, tăng hơn 40 USD/t (tương đương 64 %) so với cuối năm 2018. Giá than mỡ luyện cốc ít thay đổi, khoảng 173 USD/t FOB tại cảng Úc. Giá thép phế có chiều hướng giảm nhẹ, khoảng 305 USD/t CFR tại Đông Á cho loại HMS ½ 80:20 vào đầu tháng 7. Giá phôi thép nhập khẩu vào nước ta ở mức 454-458 USD/t đầu tháng 7, tăng 3-5 % so với đầu năm (hình 1). Vì phải nhập khẩu phần lớn nguyên liệu từ nước ngoài nên giá thành sản phẩm thép của nước ta chịu ảnh hưởng rất nhiều vào thị trường thế giới. 

Hình 1. Diễn biến giá nguyên liệu sản xuất thép

3. KẾT QUẢ SẢN XUẤT KINH DOANH 

3.1. Sản xuất thép thô 

Sản xuất thép thô (bao gồm cả billet, bloom và slab) trong 6 tháng đầu năm 2019 đạt 7.637.708 tấn, tăng 23 % so với cùng kỳ năm 2018. Như vậy, sản lượng thép thô của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2019 đứng thứ 16 trên thế giới (hình 2). 

Hình 2. Sản lượng thép thô 6 tháng đầu 2019 của tốp 16 nước

3.2. Sản xuất và tiêu thụ thép thành phẩm 

Thép xây dựng 

Trong 6 tháng đầu năm 2019, sản lượng thép xây dựng đạt 5.342.740 tấn, tăng 10,1 % so với cùng kỳ  năm 2018. Về tiêu thụ, 6 tháng đầu năm nay, lượng thép xây dựng tiêu thụ được 5.354.710 tấn, tăng 8,8 % so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng thép xây dựng hàng tháng trong 6 tháng đầu năm 2019 so với các năm 2015, 2016, 2017 và 2018 được trình bày trên hình 3. Tiêu thụ thép xây dựng hàng tháng trong 6 tháng đầu năm 2019 và so sánh với năm 2015, 2016, 2017 và 2018 được trình bày trên hình 4.

Hình 3. Sản lượng thép xây dựng 6 tháng đầu năm 2019
Hình 4. Tiêu thụ thép xây dựng 6 tháng đầu năm 2019

Thép cuộn cán nóng (HRC) 

Nửa đầu năm 2019, sản lượng thép cuộn cán nóng đạt 2.072.070 tấn, tăng 41,5 % so với cùng kỳ năm 2018 và bán hàng đạt 2.140.350 tấn, tăng 44,6 % so với cùng kỳ năm trước. Lượng thép cuộn cán nóng sản xuất đã giúp chúng ta giảm nhập khẩu vì trước đây chúng ta phải nhập khẩu 100 % loại sản phẩm này. Bên cạnh đó, thép cuộn cán nóng là động lực chính của sự tăng trưởng của ngành thép thép Việt Nam trong năm nay và cả mấy năm tới. 

Thép cuộn cán nguội  (CRC) 

Sản xuất thép cuộn cán nguội trong 6 tháng đầu năm 2019 đạt 1.948.956 tấn, giảm 1,9 % so với cùng kỳ năm 2018. Về bán hàng, lượng thép cuộn cán nguội tiêu thụ  trong nửa đầu năm 2019 đạt 1.161.036 tấn (chưa kể thép cuộn cán nguội của Tập đoàn Hoa Sen và Tôn Đông Á được dùng trong nội bộ để sản xuất tôn mạ và tôn màu khoảng 0,85 triệu tấn),  tăng 0,4 % so với cùng kỳ năm trước. 

Thép ống hàn 

Sản lượng thép ống hàn 6 tháng đầu năm 2019 đạt 1.198.725 tấn, xấp xỉ so với cùng kỳ năm2018. Về bán hàng ống thép hàn đạt 1.214.078 tấn, tăng 3,4 % so với năm trước. 

Tôn mạ và tôn màu 

Sản lượng tôn mạ và tôn màu trong 6 tháng đầu năm 2019 đạt 2.091.031 tấn, giảm 6,8 % so với cùng kỳ  năm 2018. Về bán hàng, tổng lượng tôn mạ và tôn màu bán  được  trong  6  tháng  đầu  năm  2019  đạt 1.784.082 tấn, giảm 5,3 % so với năm 2018. 

Tổng hợp các loại sản phẩm thép 

Tổng các loại sản phẩm thép sản xuất trong 6 tháng đầu năm 2019 đạt 12.644.522 tấn, tăng 7,7% so với cùng kỳ năm 2018. Về bán hàng các loại sản phẩm thép trong 6 tháng đầu năm 2019 đạt 11.654.256 tấn, tăng 9,8 % so với năm 2018 (xem bảng 1). 

Bảng 1. Sản xuất và tiêu thụ thép trong 6 tháng đầu năm 2019 Đơn vị tính: tấn

Ngành hàng6 tháng đầu năm 2019So với năm 2018 (%)
Sản xuấtTiêu thụSản xuấtTiêu thụ
Thép xây dựng5.342.7403.354.710+10,1+8,8
Thép HRC2.072.0702.140.350+41,5+44,6
Thép CRC1.948.9561.161.036-1,9+0,4
Thép ống hàn1.189.7251.214.078-0,2+3,4
Tôn mạ và màu2.091.0311.784.082-6,8-5,3
Tổng12.644.52211.654.256+7,7+9,8

3.3. Xuất nhập khẩu 

Nhập khẩu 

Số lượng nhập khẩu các loại thép thành phẩm và bán thành phẩm trong 6 tháng đầu năm 2019 đạt 9,8 triệu tấn và kim ngạch đạt 5,98 tỷ USD. Riêng về thép thành phẩm đạt 7,15 triệu tấn với kim ngạch 4,82 tỷ USD. Trong đó có một số loại tăng nhiều: 

- Thép hình: 183.178 tấn, tăng 62,4 % 
- Thép cuộn: 577.648 tấn, tăng 10,3 % 

Nhà cung cấp thép lớn nhất cho Việt Nam trong nửa đầu năm 2019 vẫn là Trung Quốc (42,5 %). Tiếp theo là Nhật Bản (14,0 %), Hàn Quốc (11,5%), Đài Loan (11,2 %) và Ấn Độ (8,9 %). Ngoài ra, 6 tháng đầu năm 2019 Việt Nam cũng nhập khẩu một lượng lớn nguyên liệu phục vụ cho sản xuất thép trong nước: 

- Quặng sắt: khoảng 6,5 triệu tấn 
- Than mỡ luyện cốc: khoảng 3 triệu tấn 
- Thép phế: 2,68 triệu tấn 
- Và nhiều loại khác như điện cực graphit, vật liệu chịu lửa, ferro các loại. 

Xuất khẩu 

Trong nửa đầu năm 2019 ngành thép Việt Nam đã có nhiều cố gắng trong công tác xuất khẩu các loại sản phẩm thép mặc dù gặp phải nhiều khó khăn do chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch đang thịnh hành trên thế giới. Số lượng xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm 2019 đạt 4,12 triệu tấn, tăng 13,3% và kim ngạch đạt 2,68 tỷ USD. Các sản phẩm thép nước ta chủ yếu được xuất khẩu sang các nước trong khối ASEAN (61,0 %), Hoa Kỳ (8,3 %), EU (6,0 %), Nhật Bản (4,6 %) và Hàn Quốc (4,0 %).