Ngành công nghiệp thép Việt Nam 6 tháng đầu năm 2018
VSA 17/09/2018

Tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm 2018 đạt 7,08 % so với cùng kỳ năm trước (Quý I là 7,45 % và Quý II là 6,79 %). Đây là mức tăng cao nhất của 6 tháng đầu năm kể từ năm 2011 đến nay.
Vietnam steel industry in the first 6 months of 2018
HIỆP HỘI THÉP VIỆT NAM
1. Tình hình kinh tế vĩ mô
Tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm 2018 đạt 7,08 % so với cùng kỳ năm trước (Quý I là 7,45 % và Quý II là 6,79 %). Đây là mức tăng cao nhất của 6 tháng đầu năm kể từ năm 2011 đến nay. Trong đó: - Công nghiệp: 9,28 % - Công nghiệp chế biến, chế tạo: 13,02 % - Xây dựng: 7,93 % Đó là các nhân tố tác động tích cực đối với ngành công nghiệp thép nước ta.
2. Thị trường nguyên liệu thế giới
Giá của các loại nguyên liệu, bán thành phẩm và thành phẩm thép trên thị trường thế giới trong 6 tháng đầu năm 2018 thay đổi liên tục và ở mức cao (hình 1). Vì phải nhập khẩu phần lớn nguyên liệu từ nước ngoài nên giá thành sản phẩm thép của nước ta chịu ảnh hưởng rất nhiều vào thị trường thế giới. Ngoài ra, giá điện cực graphit đã tăng nhanh chóng từ giữa năm 2017 đến nay cũng ảnh hưởng nhiều đến giá phôi thép của nước ta.
3. Kết quả sản xuất kinh doanh
Sản xuất và tiêu thụ thép thô (phôi thép)
Sản xuất thép thô (bao gồm cả billet, bloom và slab) tháng 6 đạt 1.251.881 tấn, tăng 8 % so với tháng 5. Tính chung, cả 6 tháng đầu năm 2018, sản lượng thép thô đạt 6.214.760 tấn và tiêu thụ đạt 6.285.729 tấn.
Sản xuất và tiêu thụ thép xây dựng
Tháng 6 năm 2018, các thành viên của Hiệp hội sản xuất được 806.252 tấn thép xây dựng; giảm 5,1 % so với tháng trước và tăng 10,8 % so với cùng kỳ năm 2017. Tính cả 6 tháng đầu năm 2018, sản lượng thép xây dựng đạt 4.853.966 tấn, tăng 10,2 % so với cùng kỳ năm 2017.

Về tiêu thụ, tháng 6/2018 các thành viên thuộc Hiệp hội Thép Việt Nam tiêu thụ được 778.146 tấn thép xây dựng, giảm 25,6 % so với tháng trước và tăng 4 % so với tháng 6/2017. Tính cả 6 tháng đầu năm nay, lượng thép xây dựng tiêu thụ được 4.920.289 tấn, tăng 16,2 % so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng thép xây dựng 6 tháng đầu năm 2018 so với cùng kỳ các năm 2015, 2016 và 2017 được trình bày trên hình 2.

Tiêu thụ thép xây dựng 6 tháng đầu năm 2018 và so sánh với cùng kỳ 2015, 2016 và 2017 được trình bày trên hình 3.

Sản xuất và tiêu thụ thép cuộn cán nóng (HRC)
Tháng 6/2018 sản xuất được 308.956 tấn thép cuộn cán nóng và bán hàng được 287.981 tấn. Tính cả 6 tháng đầu năm, sản xuất thép cuộn cán nóng đạt 1.463.913 tấn và bán hàng đạt 1.480.532 tấn. Lượng thép cuộn cán nóng sản xuất đã giúp chúng ta giảm nhập khẩu vì trước đây chúng ta phải nhập khẩu 100 % loại sản phẩm này, năm 2016 khoảng hơn 9 triệu tấn.
Sản xuất và tiêu thụ thép cuộn cán nguội (CRC)
Tháng 6/2018 sản lượng thép cuộn cán nguội đạt 358.764 tấn; tăng 8,7 % so với tháng trước và tăng 12,3 % so với tháng 6/2017. Sáu tháng đầu năm 2018 sản xuất thép cuộn cán nguội đạt 1.985.879 tấn; tăng 7,2 % so với cùng kỳ năm 2017. Về bán hàng, lượng thép cuộn cán nguội tiêu thụ tháng 6/2018 đạt 185.496 tấn; tăng 2,3 % so với tháng trước và tăng 23,1 % so với tháng 6/2017. Sáu tháng đầu năm 2018 bán hàng đạt 1.156.930 tấn; tăng 24,8 % so với cùng kỳ năm trước (chưa kể thép cuộn cán nguội của Tập đoàn Hoa Sen và Tôn Đông Á được dùng trong nội bộ để sản xuất tôn mạ và tôn màu khoảng 800.000 tấn).
Sản xuất và tiêu thụ ống thép hàn
Sản lượng thép ống hàn tháng 6/2018 đạt 216.279 tấn, giảm 7 % so với tháng trước và tăng 12,9 % so với tháng 6/2017. Tính cả 6 tháng đầu năm 2018 của các thành viên Hiệp hội Thép Việt Nam đạt 1.191.897 tấn; tăng 14,6 % so với cùng kỳ năm 2017. Về bán hàng ống thép hàn của các thành viên Hiệp hội tháng 6/2018 đạt 218.971 tấn, giảm 4% so với tháng trước và tăng 10 % so với tháng 6/2017. Cả 6 tháng đầu năm 2018 bán hàng đạt 1.173.867 tấn; tăng 14,1 % so với cùng kỳ năm Trong đó xuất khẩu đạt 167.132 tấn; tăng tới 40,3 % so với cùng kỳ năm trước.
Bảng 1. Sản xuất - Tiêu thụ thép trong 6 tháng đầu năm 2018
Đơn vị tính: tấn
Ngành hàng | 6 tháng đầu 2018 | So với cùng kỳ năm 2017 (%) | ||
Sản xuất | Tiêu thụ | Sản xuất | Tiêu thụ | |
Thép xây dựng | 4.853.966 | 4.920.289 | 10,2 | 16,2 |
Thép HRC | 1.463.013 | 1.480.532 | - | - |
Thép CRC | 1.985.870 | 1.156.930 | 7,2 | 24,8 |
Thép ống hàn | 1.191.897 | 1.173.867 | 14,6 | 14,1 |
Tôn mạ và màu | 2.244.702 | 1.884.377 | 6,2 | 17,3 |
Tổng | 11.740.348 | 10.615.995 | 24,7 | 36,2 |
Sản xuất và tiêu thụ tôn mạ và tôn màu
Sản lượng tôn mạ và tôn màu trong tháng 6/2018 đạt 368.194 tấn; giảm 7,9 % so với tháng trước và tăng nhẹ 0,9 % so với tháng 6/2017. Cả 6 tháng đầu năm 2018 sản xuất đạt 2.244.702 tấn; tăng 6,2 % so với cùng kỳ năm 2017. Về bán hàng, tổng lượng tôn mạ và tôn màu bán được trong tháng 6/2018 đạt 323.599 tấn; giảm 12,3 % so với tháng trước và tăng 8,5 % so với tháng 6/2017. Cả 6 tháng đầu năm 2018 các đơn vị thành viên Hiệp hội Thép Việt Nam bán được 1.884.377 tấn; tăng 17,3 % so với cùng kỳ năm 2017.
Tổng hợp các loại sản phẩm thép
Tổng các loại sản phẩm thép sản xuất của 6 tháng đầu năm 2018 đạt 11.740.348 tấn; tăng 24,7 % so với cùng kỳ năm 2017. Về bán hàng trong 6 tháng của tất cả các loại sản phẩm thép đạt 10.615.995 tấn; tăng 36,2 % so với cùng kỳ năm 2017 (bảng 1). Sự tăng trưởng cao ở cả khâu sản xuất và bán hàng chủ yếu do sự đóng góp của thép cuộn cán nóng, loại sản phẩm mà trước tháng 6/2017 chúng ta chưa sản xuất được.
3. Xuất nhập khẩu
Nhập khẩu
Số lượng nhập khẩu 6 tháng đầu năm 2018 của ngành thép đạt 8,2 triệu tấn (bao gồm cả thép phế, phôi thép và các loại sản phẩm thép); giảm 7,9 % so với cùng kỳ năm trước. Về kim ngạch đạt 6,64 tỷ USD; giảm 19,2 % so với 6 tháng đầu năm 2017. Nhà cung cấp thép lớn nhất cho Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2018 vẫn là Trung Quốc (45,8 %). Tiếp theo là Nhật Bản (15,8 %), Hàn Quốc (13,1 %) và Đài Loan (11,5 %).
Xuất khẩu
Trong 6 tháng đầu năm 2018 ngành thép Việt Nam đã có nhiều cố gắng trong công tác xuất khẩu các loại sản phẩm thép mặc dù gặp phải nhiều vụ kiện phòng vệ thương mại của các nước. Số lượng xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2018 được 3,54 triệu tấn; tăng 30,4 % và kim ngạch đạt 2,63 tỷ USD; tăng 42,1 %. Các sản phẩm thép nước ta chủ yếu được xuất khẩu sang các nước trong khối ASEAN (56,8 %), Hoa Kỳ (15,6 %), EU (10,7 %), Hàn Quốc (4,4 %) và Đài Loan (3,25 %).