Mối quan hệ giữa nhà trường với doanh nghiệp trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành luyện kim - cán thép hiện nay
CÔNG TY CỔ PHẦN GANG THÉP THÁI NGUYÊN 21/11/2017
Tham luận tập trung vào mối quan hệ giữa nhà trường (trường đại học) với doanh nghiệp trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành Luyện kim hiện nay.
Relationship between school and enterprises in high quality human resource education for metallurgy - steel rolling nowadays
CÔNG TY CỔ PHẦN GANG THÉP THÁI NGUYÊN
Phường Cam Giá, thành phố Thái Nguyên
Trong giai đoạn hiện nay việc phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao là một đòi hỏi và là nhu cầu tất yếu của xã hội. Chìa khóa để giúp cho ngành công nghiệp của Việt Nam ngày càng phát triển và vươn xa hơn nữa chính là phát triển mối quan hệ giữa nhà trường và doanh nghiệp, sợi dây liên kết tạo ra đội ngũ lao động chất lượng cao cho ngành kỹ thuật đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội nói chung và ngành kỹ thuật luyện kim nói riêng. Tham luận tập trung vào mối quan hệ giữa nhà trường (trường đại học) với doanh nghiệp trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành Luyện kim hiện nay.
1. ĐẶT VẤN ĐỀ
Chất lượng nguồn nhân lực là một trong những mối quan tâm hàng đầu của các quốc gia trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay. Trong giai đoạn nền kinh tế tri thức và đại chúng hóa giáo dục đại học, mối quan hệ giữa trường đại học và các doanh nghiệp đang trở nên rất quan trọng với cả hai bên. Việc liên kết đào tạo giữa nhà trường với doanh nghiệp là một yêu cầu khách quan xuất phát từ lợi ích của cả hai bên thúc đẩy và hỗ trợ nhau cùng phát triển. Hoạt động đào tạo của các trường đại học luôn hướng tới nhu cầu xã hội trong đó có nhu cầu phát triển của các doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp chính là các địa chỉ đáng tinh cậy cung cấp thông tin cho các trường đại học nắm bắt được nhu cầu của thị trường đang cần gì để từ đó nhà trường sẽ định hướng đào tạo để cung cấp cho DN đội ngũ nguồn nhân lực đảm bảo có chất lượng cao. Khái niệm nguồn nhân lực có nhiều cách hiểu, kế thừa các nghiên cứu của các học giả về nguồn nhân lực, nguồn nhân lực chất lượng cao được coi là một bộ phận nhân lực có sức khỏe đáp ứng yêu cầu, được đào tạo dài hạn, có chuyên môn kỹ thuật cao, có phẩm chất đạo đức tiêu biểu, có khả năng thích ứng nhanh theo những thay đổi của công nghệ, biết vận dụng sáng tạo những tri thức, những kỹ năng đã được đào tạo vào quá trình lao động sản xuất, đóng góp cho sự phát triển kinh tế xã hội một cách hiệu quả nhất.
2. ĐẶC ĐIỂM TÌNH HÌNH TẠI CÔNG TY CP GTTN
Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên (TISCO), cái nôi của ngành công nghiệp luyện kim Việt Nam, tiền thân là Công ty Gang thép Thái Nguyên, được thành lập năm 1959, là khu Công nghiệp đầu tiên tại Việt Nam có dây chuyền sản xuất liên hợp khép kín từ khai thác quặng sắt đến luyện gang, luyện thép và cán thép. Ngày 29/11/1963, mẻ gang đầu tiên của Công ty ra lò đã đánh dấu mốc son quan trọng trong công cuộc xây dựng và phát triển của Công ty cũng như của ngành luyện kim Việt Nam. [caption id="attachment_1531" align="aligncenter" width="800"]
Trải qua hơn 55 năm xây dựng và phát triển, Công ty không ngừng tăng trưởng và lớn mạnh. Công suất sản xuất thép cán hiện tại đạt trên 1.000.000 tấn/năm, với 03 nhà máy sản xuất thép cán bao gồm: Nhà máy Cán thép Lưu Xá, Nhà máy Cán thép Thái Nguyên và Công ty Cổ Phần Cán thép Thái Trung. Doanh thu hàng năm của TISCO đạt trên 9.000 tỷ VNĐ, hệ thống phân phối sản phẩm rộng khắp với mạng lưới các nhà phân phối tại các tỉnh và thành phố trong cả nước. Sản phẩm thép TISCO đã được lựa chọn và sử dụng vào hầu hết các công trình trọng điểm Quốc gia như Nhà ga T2 Sân bay Quốc tế Nội Bài, cầu Nhật Tân, tòa nhà Quốc hội, Trung tâm hội nghị Quốc gia, sân vận động Quốc gia Mỹ Đình, và nhiều công trình khác; thâm nhập vào được thị trường Quốc tế như Canada, Singapore, Indonesia, Lào, Campuchia...
Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên cùng sản phẩm Thép mang thương hiệu TISCO đã giành được nhiều giải thưởng: Hàng Việt Nam chất lượng cao, Sao vàng đất Việt, Thương hiệu nổi tiếng với người tiêu dùng, nhãn hiệu có uy tín tại Việt Nam, Thương hiệu nổi tiếng ASEAN, Ngôi sao Quốc tế về Quản lý chất lượng ISLQ, Top 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam và nhiều giải thưởng uy tín khác. Công ty CP Gang thép Thái Nguyên đang nắm giữ công nghệ sản xuất thép hiện đại, năng lực quản lý dự án ưu việt, kỹ năng kiểm soát và vận hành tiên tiến được chuyển giao từ các chuyên gia hàng đầu thế giới - Danieli Italy. Với nỗ lực vươn lên tầm khu vực về công nghệ, TISCO đang tích cực nghiên cứu và đầu tư để hoàn thiện hệ thống sản xuất khép kín từ khâu tinh luyện, nung liên tục cho tới cán thép thành phẩm. Công ty CP Gang thép Thái Nguyên đang tham gia chủ đạo vào việc hiện đại hoá kỹ thuật và công nghệ góp phần thúc đẩy ngành thép của Việt Nam phát triển.
Từ ngày thành lập đến nay, số kỹ sư Luyện kim, Cơ học vật liệu và Cán kéo kim loại đã và đang công tác tại Công ty GTTN là rất lớn. Tại thời điểm hiện tại, kể cả số kỹ sư học chính quy và tại chức của Trường ĐHBK Hà Nội đào tạo trên 300 kỹ sư. Các kỹ sư này trong quá trình công tác đã đóng góp nhiều các giải pháp góp phần giảm tiêu hao vật tư, năng lượng trong sản xuất, ý tưởng sáng tạo sản xuất các sản phẩm mới đáp ứng nhu cầu thị trường: như sản phẩm thép chống lò, sản phẩm thép cuộn rút dây SAE theo tiêu chuẩn ASTM... Nhiều đồng chí đang được giao nắm giữ những cương vị trọng trách hết sức quan trọng quyết định đến sự sống còn của công ty.
3. SỰ CẦN THIẾT VIỆC GẮN KẾT GIỮA NHÀ TRƯỜNG VÀ DOANH NGHIỆP
- Các sinh viên của trường ĐHBKHN nói chung và chuyên ngành Luyện kim - cán thép nói riêng, sau khi ra trường đã đáp ứng khá tốt công việc kỹ thuật cũng như quản lý sản xuất tại các doanh nghiệp và được các doanh nghiệp đánh giá cao về năng lực thực hiện cũng như trách nhiệm nghề nghiệp chuyên môn đã được đào tạo. Nhưng, để nâng cao hơn nữa về chất lượng đào tạo phù hợp cho công nghệ ngày càng hiện đại và phát triển, thì sự gắn kết giữa nhà trường với doanh nghiệp ngày càng phải bền chặt hơn.
Mối quan hệ này được thiết lập trên quan điểm hệ thống, có nghĩa là trên nhiều lĩnh vực, với nhiều phương thức khác nhau, bao gồm:
Một là, trao đổi thông tin về nhu cầu đào tạo. Trong cơ chế thị trường, xác định nhu cầu đào tạo là bước khởi đầu quan trọng của việc phát triển chương trình và triển khai các khóa đào tạo. Thật là phi lý khi nói đến đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội, mà nhà trường không biết nhu cầu đào tạo của xã hội về chất lượng, số lượng cũng như cơ cấu ngành nghề đào tạo là như thế nào?
Hai là, doanh nghiệp tham gia với nhà trường trong việc xây dựng mục tiêu, chuẩn đầu ra các chương trình đào tạo và tham gia đánh giá chất lượng học sinh, sinh viên tốt nghiệp trình độ đào tạo. Nhờ vậy, các chương trình đào tạo của trường thường xuyên cập nhật được các tiến bộ khoa học và công nghệ mà sản xuất đang áp dụng, tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên tốt nghiệp có cơ hội tìm được việc làm.
Ba là, liên kết đào tạo giữa nhà trường với doanh nghiệp. Sự liên kết này mang lại các lợi ích sau đây: Đối với nhà trường: sử dụng được các thiết bị hiện đại của sản xuất, những thiết bị đắt tiền mà nhà trường không thể có để học sinh thực hành; đội ngũ giảng viên được tiếp cận với công nghệ và phương tiện sản xuất hiện đại; huy động được những kỹ sư, công nhân giỏi trong sản xuất tham gia giảng dạy để nâng cao chất lượng đào tạo; Đối với doanh nghiệp: có cơ hội để theo dõi và tuyển chọn được những học sinh, sinh viên giỏi, có năng lực thực tế phù hợp với yêu cầu của mình; có một lực lượng lao động phụ là học sinh, sinh viên thực tập tại doanh nghiệp, tiền công rẻ để thực hiện những nhiệm vụ sản xuất phù hợp. Đối với người học: được học với những công nhân kỹ thuật, kỹ sư có nhiều kinh nghiệm thực tiễn trong sản xuất, với những phương tiện, thiết bị hiện đại, giúp người học nhanh chóng hình thành được những kỹ năng cần thiết phù hợp với yêu cầu của sản xuất, cũng như rèn luyện tác phong công nghiệp và đạo đức nghề nghiệp; có nhiều cơ hội để tìm được việc làm sau khi tốt nghiệp; nếu có việc làm, sẽ sớm thích ứng với công việc không cần phải bồi dưỡng hoặc đào tạo lại.
- Thực tế hiện tại:
Trường ĐH phần lớn là đào tạo các kỹ năng, tri thức. Kỹ năng, tri thức này sinh viên sau khi ra trường phải áp dụng được vào trong thực tiễn của doanh nghiệp. Đây là chỗ cần kết nối nhất giữa nhà trường và doanh nghiệp. Thông thường nhà trường đều dùng các chương trình đào tạo tương đối chuẩn, kỹ năng chuẩn. Nhưng SV khi tốt nghiệp lại không thâm nhập ngay vào được trong DN, bởi vì họ thiếu trải nghiệm thực tế, chứ không phải họ không có kỹ năng làm việc. DN cần hỗ trợ các trường ở chỗ này, để SV thâm nhập ngay trong quá trình đi học.
Được như vậy thì quá trình đi vào thực tế của SV sẽ nhanh hơn, sẽ làm lợi hơn cho xã hội và bớt được thời gian trống hay đào tạo lại. Một điều hết sức quan trọng đối với SV khi tốt nghiệp là họ có kỹ năng cụ thể một lĩnh vực đào tạo, nhưng không có cái nhìn hệ thống về DN. Vào DN, họ bỡ ngỡ ngay. Họ không hình dung được họ đang ngồi vị trí nào trong DN, làm cái gì và làm như thế nào. Và cuối cùng là gần như bị mất hút trong DN. DN càng lớn thì họ càng dễ bị mất hút.
4. KẾT LUẬN
Trong thời đại nền kinh tế thị trường ngày một phát triển, mối quan hệ gắn kết giữa nhà trường với doanh nghiệp là rất quan trọng xuất phát từ yêu cầu khách quan đòi hỏi phải tạo ra một nguồn nhân lực đảm bảo về trình độ cung cấp cho sự phát triển của ngành công nghiệp nói chung và chuyên ngành Luyện kim - cán thép nói riêng hiện nay. Có thể khẳng định rằng mối gắn kết bền vững giữa nhà trường và doanh nghiệp có vị trí đặc biệt quan trọng đảm bảo nâng cao chất lượng đào tạo của nhà trường, đồng thời là nguồn nhân lực chất lượng cao trong đầu vào của các doanh nghiệp. Vì vậy trong tương lai và nhiệm vụ trước mắt xây dựng mối quan hệ giữa nhà trường và doanh nghiệp trong đào tạo nguôn nhân lực chất lượng cao là yêu cầu cấp bách và là nhiệm vụ bắt buộc đặt ra đối với toàn ngành.