BÁO CÁO HOẠT ĐỘNG HỘI KHKT ĐÚC-LUYỆN KIM VIỆT NAM
30/04/2020
Như vậy sau 30 năm chúng ta đã đạt được những thành tựu và vị trí mà vào đầu những năm 90, khi sản lượng thép của chúng ta mới chỉ đạt 400.000 tấn/năm thì không ai dám nghĩ tới. Ban Thường vụ (BTV) hội xin gửi tới quý hội viên một số thông tin về những hoạt động của Hội KHKT ĐLKVN trong năm 2019 và định hướng hoạt động trong năm 2020.
BÁO CÁO
(Năm 2019 và định hướng hoạt động 2020)
Activity report of 2019 and orientations for 2020 of the Vietnam Foundry and Metallurgy Science and Technology Association
Các quý hội viên thân mến, rất tiếc lễ kỷ niệm 54 năm ngày thành lập hội của chúng ta lại chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ “...không tổ chức hội họp đông người...” Ban Thường vụ Hội Khoa học- Kỹ thuật Đúc-Luyện kim Việt Nam (KHKT ĐLKVN) quyết định không tổ chức “Lễ kỷ niệm lần thứ 54 ngày thành lập hội” cùng hội thảo khoa học về “Hiện trạng phát triển ngành Đúc-Luyện kim VN năm 2019”. Các tài liệu dự kiến trình bầy tại hội thảo cùng Báo cáo công tác hội sẽ được in trong Tạp chí KHCN Kim loại và được chuyển tới quý hội viên theo đường bưu điện nhằm cung cấp thông tin kịp thời, cũng như phòng chống dịch bảo vệ sức khỏe cho các hội viên. Ban Thường vụ Hội KHKT ĐLKVN mong quý hội viên thông cảm và hẹn gặp lại vào dịp kỷ niệm 55 năm (05/4/1996 - 05/4/2021).
Thưa các quý hội viên, cũng vào dịp này cách đây 54 năm, tại Hà Nội, những người làm công tác nghiên cứu, giảng dạy và sản xuất trong ngành Đúc- Luyện kim Việt Nam đã họp tại Hà Nội để tiến hành Đại hội thành lập Hội Đúc-Luyện kim Việt Nam. Trong ngày trọng đại ấy (05/4/1966), đại hội đã vinh dự được đón Thủ tướng Phạm Văn Đồng đến dự và phát biểu chỉ đạo. Giáo sư, viện sĩ Trần Đại Nghĩa, khi đó là Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và kỹ thuật nhà nước đã phát biểu về sự cần thiết thành lập Hội Đúc-Luyện kim Việt Nam (một trong 5 hội khoa học-kỹ thuật đầu tiên của Việt Nam) với mong muốn xây dựng ngành luyện kim Việt Nam phát triển nhanh, mạnh góp phần khôi phục và phát triển kinh tế sau chiến tranh. Đại hội đã bầu Ông Trần Diệp, khi đó là TGĐ Khu liên hợp Gang-thép Thái Nguyên là Chủ tịch hội và kỹ sư Võ Quý Huân, khi đó là Vụ trưởng Vụ Kỹ thuật Bộ Công nghiệp làm Phó chủ tịch. Hai kỹ sư xuất sắc, có nhiều công lao đối với cách mạng Việt Nam đã được bầu là lãnh đạo đầu tiên của hội. Đây là một vinh dự to lớn của hội chúng ta (Ông Trần Diệp đã qua đời tháng 9/2014, còn ông Võ Quý Huân qua đời năm 1967). Tại đại hội nhiệm kỳ IV (2003-2008) Hội Đúc- Luyện kim Việt Nam được đổi tên thành Hội KHKT ĐLKVN (VFMSTA). Hội đã có những đóng góp đáng kể cho sự phát triển chung của ngành Đúc-Luyện kim VN và Liên hiệp các hội KHKT VN (VUSTA). Năm 2019 Việt Nam đã trở thành quốc gia đứng đầu trong Cộng đồng ASEAN và thứ 15 thế giới về sản xuất thép thô; với 17,72 triệu tấn chúng ta đã vượt sản xuất thép thô của CH Pháp. Như vậy sau 30 năm chúng ta đã đạt được những thành tựu và vị trí mà vào đầu những năm 90, khi sản lượng thép của chúng ta mới chỉ đạt 400.000 tấn/năm thì không ai dám nghĩ tới. Ban Thường vụ (BTV) hội xin gửi tới quý hội viên một số thông tin về những hoạt động của Hội KHKT ĐLKVN trong năm 2019 và định hướng hoạt động trong năm 2020.
1. NHỮNG KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC TRONG NĂM 2019
1.1. Công tác tổ chức
Hội KHKT ĐLKVN hiện có 7 hội thành viên với tên chung là Hội KHKT (Hội Hà Nội, Hội Thái Nguyên, Hội Đà Nẵng, Hội tp Hồ Chí Minh, Hội Vinacomin, Hội Nhiệt luyện và Xử lý bề mặt và Hội Cơ khí-Đúc Cần Thơ) với tổng số 823 hội viên. Riêng hội KHKT ĐCK Cần Thơ đang làm thủ tục dừng hoạt động với LHH KHKT Cần Thơ vì lý do sức khỏe của Chủ tịch hội. Đại hội VII tổ chức ngày 19/4/2018 do ông Phạm Chí Cường làm Chủ tịch hội, nhưng đến tháng 5/2019, ông Cường đã xin rút do có nhu cầu đi chữa bệnh ở CHLB Đức. Tại lễ kỷ niệm 53 năm ngày thành lập, BCH hội đã bầu ThS Chu Đức Khải làm Chủ tịch thay thế. Ngày 30/5/2019, Chủ tịch Liên hiệp các hội KHKT VN (ông Đặng Vũ Minh) đã có quyết định công nhận thay đổi nhân sự của Hội KHKT Đúc–Luyện kim VN. Ban Thường vụ đã chỉ đạo một hội thành viên (Hội KHKT Đà Nẵng) tổ chức thành công Đại hội nhiệm kỳ III (2019-2024) bầu ra Ban Thường vụ, Chủ tịch, Phó chủ tịch và Trưởng Ban Kiểm soát của Hội KHKT ĐLK Đà Nẵng. Đã kết nạp 3 hội viên mới từ các doanh nghiệp hoạt động trong ngành đúc-luyện kim.
1.2. Công tác thông tin, phổ biến kiến thức
Nhân ngày kỷ niệm thành lập hội (05/4/2019), đã tổ chức hội thảo khoa học nhằm cung cấp thông tin về hiện trạng phát triển ngành ở VN, đồng thời nêu ra những nhận định, dự báo tình hình thị trường tới các hội thành viên. Đã có các báo cáo về: - Hiện trạng ngành đúc VN 2018 - Hiện trạng ngành thép VN 2018 - Hiện trạng ngành khai thác, chế biến kim loại mầu VN 2018 Hội đã duy trì xuất bản ấn phẩm “Tạp chí KHCN Kim loại” đều đặn 6 số/năm. Hiện đã phát hành tới số 87. Cán bộ của Hội ĐLK Hà Nội đã biên soạn sách phổ biến kiến thức về công nghệ luyện kim và đã xuất bản tại NXB Khoa học tự nhiên và Công nghệ quốc gia, tham gia cùng với Viện Tiêu chuẩn-Chất lượng Việt Nam biên soạn 4 tiêu chuẩn về thép hình cán nóng và Quy chuẩn Kỹ thuật quốc gia về thép hình cán nóng. Đã phối hợp với Hiệp hội Thép Việt Nam tổ chức các hội thảo phổ biến những thành tựu mới trong ngành công nghiệp thép. Hội ĐLK tp HCM phối hợp với Cty Chugai Ro Co.Ltd (Nhật Bản) và Cty Yiu Hwa Engineering Co. Ltd (Đài Loan) tổ chức hội thảo về “Công nghệ đốt tiết kiệm năng lượng”; thông báo tới các hội viên tham dự hội thảo về “Chính sách và quy định xuất xứ và chống lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại”. Hội ĐLK VIMICO đã tổ chức nhiều buổi trao đổi kỹ thuật nhằm đưa ra các giải pháp góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm và hiệu quả sản xuất, tạo ra các sản phẩm như kẽm thỏi, đồng catot, phôi thép, vàng thỏi, bạc thỏi, axit sunfuric và thạch cao nhân tạo,... Các hội viên của hội là nòng cốt, đưa ra 65 sáng kiến cải tiến, hợp lý hóa sản xuất, tạo giá trị làm lợi cả chục tỷ đồng cho Cty VIMICO.
1.3. Công tác tư vấn, phản biện, giám định xã hội
Hội đã tư vấn cho các hội thành viên về phương thức hoạt động để các hội có thể tồn tại và phát triển trong điều kiện không có kinh phí ngân sách để hỗ trợ, củng cố tổ chức các hội (bổ sung BCH...) Đã làm việc với các hội bạn (Hội Tuyển khoáng, Hội Titan, Hội các DN Cơ khí v.v...), để trao đổi kinh nghiệm hoạt động hội và thu thập thông tin các DN có sản xuất đúc trong điều kiện không có kinh phí ngân sách cấp cho hoạt động thường xuyên của các hội. Hội ĐLK Hà Nội đã tham gia phản biện các đề tài nghiên cứu lĩnh vực ĐLK thuộc Bộ Công- Thương, Bộ KHCN, Viện Hàn lâm KHCN VN và Sở CT Tp Hà Nội; tham gia góp ý cho dự thảo Thông tư hướng dẫn nghị định số 32/2019/NĐ-CP ngày 10/4/2019 của Chính phủ trong lĩnh vực thông tin và truyền thông; Hội KHKT ĐLK Thái Nguyên đã tổ chức được 2 hội nghị chuyên đề về nâng cao chất lượng sản phẩm đúc gang tại Nhà máy Luyện gang và nâng cao chất lượng sản phẩm đúc liên tục phôi thép tại Nhà máy Luyện thép Lưu Xá, Công ty CP Gang- thép Thái Nguyên.
Hội KHKT ĐLK Đà Nẵng đã tham gia đánh giá “Kế hoạch bảo vệ môi trường” cho dự án Nhà máy sản xuất đinh tại khu công nghiệp Hòa Khánh Bắc, tp Đà Nẵng của Công ty TNHH Yến An Minh. Đã tư vấn chuyên môn về công nghệ đúc cho Công ty TMDV Lắp máy miền Nam trong công nghệ sản xuất phôi đúc trên các dây chuyền đúc phụ tùng máy nổ. Hội tổ chức nâng cao kiến thức lý thuyết về vật liệu kim loại và kỹ thuật đúc cho doanh nghiệp đúc tư nhân Tuấn Xâm Đà Nẵng. Hội viên của Hội ĐLK VINACOMIN đã hợp tác nghiên cứu với các tổ chức, cá nhân thuộc các viện nghiên cứu, trường đại học như: Viện KHCN Mỏ - VINACOMIN, Viện KHCN Mỏ-Luyện kim, Viện Khoa học vật liệu trường Đại học BKHN, trường Đại học Công nghiệp Thái Nguyên, ... đồng thời tham mưu- tư vấn kỹ thuật “Dự án mở rộng nâng công suất Nhà máy Luyện đồng Lào Cai 20.000 tấn/năm”. Đã tham gia phản biện các đề tài nghiên cứu khoa học, các phương án kỹ thuật sản xuất trong Tổng công ty Khoáng sản (TKV).
1.4. Công tác hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế
Về công tác hợp tác quốc tế, hội đã cử 2 đoàn dự hội thảo và triển lãm tại Trung Quốc, có bài trình bầy tại hội thảo được các nước quan tâm, trao đổi với mong muốn hợp tác sâu hơn với ngành đúc VN. Hội đã tiếp 5 đoàn đến thăm các doanh nghiệp đúc VN và làm việc với hội. Hội ĐLK Hà Nội đã liên kết với Hội Đúc Ấn Độ tổ chức Hội nghị AFC-15, chuyển giao công nghệ từ Công ty ASHMAL vào Việt Nam.
1.5. Các đề tài, dự án
Các hội viên tập thể là các cơ quan nghiên cứu, các trường đại học và cao đẳng hàng năm đều nhận các nhiệm vụ KHCN, bảo vệ môi trường từ các Bộ KHCN, Bộ Công-Thương; Bộ GDĐT và các sở thuộc các tỉnh, thành phố. Hội ĐLK Hà Nội đã tham gia giám sát một số công trình về hợp kim đúc tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh, đúc tượng danh nhân ở Quảng Bình; triển khai một số đề tài nghiên cứu KHCN như “Nghiên cứu công nghệ chế tạo hợp kim titan làm dụng cụ chấn thương chỉnh hình”; tham gia dự án “Chuẩn bị xây dựng thị trường Carbon tại Việt Nam” do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ. Các hội viên thuộc Hội ĐLK Vimico đã có nhiều đóng góp trong việc nghiên cứu xử lý xỉ lò luyện đồng, nghiên cứu thu hồi kim loại Rheni, nghiên cứu tự động hóa điện phân đồng, nghiên cứu cường hoá phun than cám vào lò cao, nghiên cứu nâng cao thực thu kim loại thu hồi nguyên tố có ích. Đặc biệt đề tài “Nghiên cứu thu hồi kẽm từ nước rửa bã sắt trong công nghệ sản xuất kẽm ” đạt giải A Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Thái Nguyên,... Hội Nhiệt luyện và Xử lý bề mặt thường xuyên phối hợp với Viện KHCN Vật liệu trường ĐHBK HN trong công tác đào tạo; trao đổi kỹ thuật với các DN ngành cơ khí để xử lý những vướng mắc trong sản xuất về kỹ thuật nhiệt luyện-xử lý bề mặt.
1.6. Các hoạt động khác
- Làm báo cáo gửi VUSTA chuẩn bị cho việc tổng kết chỉ thị 42 của Bộ CT.
- Xây dựng Danh mục các doanh nghiệp đúc VN (2019) để quảng bá cho các doanh nghiệp bằng nguồn kinh phí hỗ trợ từ các doanh nghiệp trong ngành. - Tổ chức 2 buổi trao tiền hỗ trợ các NGND của hội theo Kết luận số 59/KL-TW v/v Hỗ trợ các nhân sỹ khó khăn trong cuộc sống (đợt 1&2/2018).
- Hội KHKT ĐLK Hà Nội đã tổ chức hội thảo khoa học để tưởng nhớ kỹ sư Võ Quý Huân (một trong 6 Việt kiều được Bác Hồ đưa từ Pháp về nước phục vụ đất nước), tiền nhân có nhiều đóng góp cho ngành công nghiệp vũ khí của VN trong Kháng chiến chống Pháp.
2. NHỮNG NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM NĂM 2020
Mục tiêu chung: Trong bối cảnh các nước có nền công nghiệp phát triển đang có xu hướng dịch chuyển sản xuất đúc hoặc mua sản phẩm đúc từ các nước đang phát triển, do chi phí sản xuất cao, các yêu cầu về chỉ số bảo vệ môi trường chặt chẽ hơn ở các nước có nền công nghiệp phát triển, một cơ hội mới đã mở ra cho ngành đúc-luyện kim Việt Nam tiếp thu có lựa chọn công nghệ tiên tiến để phát triển ngành đúc- luyện kim VN lên tầm cao mới. Để củng cố, kiện toàn và phát triển tổ chức, Hội KHKT ĐLKVN sẽ tiếp tục làm tốt công tác tổ chức đại hội nhiệm kỳ của Hội KHKT Đúc-Luyện kim Vinacomin và Hội Nhiệt luyện và Xử lý bề mặt được thành công. Sẽ tiếp tục tổ chức các hội thảo khoa học, công tác tư vấn-phản biện và giám định xã hội, kết hợp với lễ kỷ niệm ngày thành lập hội TƯ và các hội thành viên.
Duy trì xuất bản ấn phẩm “Tạp chí KHCN Kim loại” đều đặn 2 tháng/số. Động viên các thành viên của hội tham gia các hội đồng lựa chọn đề tài, nghiệm thu, thẩm định các dự án trong lĩnh vực đúc-luyện kim, về Khoa học và công nghệ môi trường. Hội ĐLK tp HCM sẽ thành lập và ra mắt 3 chi hội ĐLK (SADAKIM, VICASA và Chi hội Đào tạo). Sẽ tổ chức làm thẻ hội viên, đào tạo công nhân kỹ thuật cao, thi nâng bậc nghề trong các doanh nghiệp.
3. NHỮNG ĐỀ XUẤT VÀ KIẾN NGHỊ
Đề nghị VUSTA kiến nghị với Chính phủ về việc Nhà nước xem xét hỗ trợ kinh phí tối thiểu để duy trì các hoạt động thường xuyên của các hội ngành toàn quốc.
TM BCH HỘI KHKT ĐÚC-LUYỆN KIM VN
Chủ tịch
Chu Đức Khải