25 năm hoạt động của Hội KHKT Đúc-Luyện kim Đà Nẵng
03/10/2019
Nhìn lại chặng đường 25 năm hình thành và phát triển, dù còn nhiều khó khăn nội tại của hội và của đặc điểm công nghiệp vùng miền, đến nay, dưới sự chỉ đạo của Hội KHKT Đúc-Luyện kim Việt Nam và Liên hiệp các hội KH&KT thành phố, Hội KHKT Đúc-Luyện kim Đà Nẵng đã và đang là một trung tâm kết nối, liên kết những người làm trong ngành đúc-luyện kim lại với nhau, để thực hiện các chức năng của hội như tư vấn phản biện xã hội, nghiên cứu khoa học, đào tạo và bồi dưỡng kiến thức cho các cơ sở doanh nghiệp, ...
25-year activities of Danang Foundry-Metallurgy Sci. and Tech. Association
NGUYỄN THANH VIỆT
Chủ tịch hội KHKT Đúc-Luyện kim Đà Nẵng
Hội Đúc-Luyện kim Đà Nẵng được thành lập theo quyết định số 367/QĐ/ĐLK ngày 16/4/1994 của Hội Đúc-Luyện kim Việt Nam và quyết định số 1125/QĐ/UB ngày 02/6/1994 của UBND tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng với tên gọi ban đầu là Hội Đúc-Luyện kim Quảng Nam-Đà Nẵng. PGS TS Nguyễn Dụ, giảng viên trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng được bầu làm chủ tịch đầu tiên của hội và ông Nguyễn Thanh Việt làm Tổng thư ký hội.
Sau khi tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng chia tách thành tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng, Hội Đúc-Luyện kim Quảng Nam-Đà Nẵng được đổi tên thành Hội Đúc-Luyện kim Đà Nẵng và được UBND thành phố Đà Nẵng ra quyết định số 2665/QĐ-UB ngày 14/05/1998 cho phép hoạt động.
Tại Đại hội lần thứ 2 vào ngày 26 tháng 6 năm 2009, tên của hội được đổi thành “Hội Khoa học Kỹ thuật Đúc-Luyện kim Đà Nẵng”. Ông Nguyễn Thanh Việt, giảng viên trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng được bầu làm Chủ tịch hội và ông Nguyễn Văn Tấn, Phó TGĐ Công ty thép DANA-Ý làm Tổng thư ký hội. Trước năm 1975, Đà Nẵng là một trong những thành phố của Miền Trung không có một cơ sở lớn nào về đúc và luyện kim. Nền công nghiệp của Quảng Nam-Đà Nẵng chủ yếu là các xí nghiệp cơ khí sửa chữa và các cơ sở đúc tư nhân với lò đúc thủ công và công nghệ đúc lạc hậu, chỉ có một cơ sở đúc đồng truyền thống là làng đúc Phước Kiều thuộc xã Điện Phượng, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam ngày nay. Các cơ sở đào tạo đại học, các viện nghiên cứu cũng không có, vì vậy nguồn nhân lực khoa học-kỹ thuật của thành phố rất khan hiếm.
Sau ngày giải phóng, thực hiện chủ trương của đảng và nhà nước, nhiều nhà máy cơ khí chế tạo của miền Trung được hình thành, đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển công nghiệp của khu vực Miền Trung và Tây Nguyên. Đặc biệt phải kể đến nhà máy Cơ khí Đà Nẵng, con chim đầu đàn của ngành công nghiệp tại Đà Nẵng với các sản phẩm đặc trưng là máy nổ cho tàu thuyền đánh bắt hải sản. Đồng thời, các trường đại học và các viện nghiên cứu bắt đầu được thành lập, trong đó trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng ra đời đã tiếp thêm sức mạnh khi cung cấp cho mảnh đất Miền Trung và Tây Nguyên hàng loạt cán bộ kỹ thuật với các ngành nghề khác nhau, góp phần đưa nền công nghiệp Miền Trung và Tây Nguyên nói chung và Đà Nẵng nói riêng lên tầm cao mới. Với sự phát triển đó, nhu cầu về kỹ sư ngành đúc- luyện kim của Miền Trung trở nên cấp thiết.
Đứng trước những đòi hỏi thực tế đó, tại Khoa Cơ khí của trường ĐHBK Đà Nẵng đã hình thành các bộ môn chuyên môn như Đúc-Nhiệt luyện, Gia công áp lực,... để đào tạo nhân lực cho một số ngành như đúc-nhiệt luyện, cơ khí luyện-cán thép,... nhằm đáp ứng nhu cầu về cán bộ kỹ thuật đúc- luyện kim cho các ngành công nghiệp trên địa bàn Miền Trung và Tây Nguyên. Sự đòi hỏi có một hội nghề nghiệp để kết nối các doanh nghiệp và người làm trong các cơ sở đúc-luyện kim với nhau đã được đặt ra cho Miền Trung và Tây Nguyên. Chính vì vậy, Hội Đúc- Luyện kim Quảng Nam-Đà Nẵng đã ra đời sớm là một tất yếu và kịp thời trong số các hội đúc-luyện kim ở các tỉnh thành của Việt Nam.
Nhìn lại chặng đường 25 năm hình thành và phát triển, dù còn nhiều khó khăn nội tại của hội và của đặc điểm công nghiệp vùng miền, đến nay, dưới sự chỉ đạo của Hội KHKT Đúc-Luyện kim Việt Nam và Liên hiệp các hội KH&KT thành phố, Hội KHKT Đúc-Luyện kim Đà Nẵng đã và đang là một trung tâm kết nối, liên kết những người làm trong ngành đúc-luyện kim lại với nhau, để thực hiện các chức năng của hội như tư vấn phản biện xã hội, nghiên cứu khoa học, đào tạo và bồi dưỡng kiến thức cho các cơ sở doanh nghiệp, ...
Dưới đây sẽ điểm qua các nhiệm vụ mà Hội KHKT Đúc-LK Đà Nẵng đã thực hiện trong những năm qua. Về nghiên cứu khoa học, từ năm 1985 các hội viên đúc-luyện kim thuộc bộ môn Đúc-Nhiệt luyện của trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng đã tham gia đề tài nghiên cứu cấp bộ “Nâng cao chất lượng hợp kim đúc trong điều kiện công nghiệp địa phương” do PGS TS Nguyễn Dụ, Chủ tịch Hội Đúc-LK Đà Nẵng chủ trì. Nhóm nghiên cứu đã cải tiến lò nấu gang thủ công và thay đổi quy trình công nghệ ủ than gầy sống để nấu được gang lỏng chất lượng tốt. Đề tài đã được ứng dụng và chuyển giao công nghệ cho các đơn vị sản xuất tại Đà Nẵng như nhà máy Cơ khí Đà Nẵng, nhà máy Cơ khí đường sắt, xí nghiệp Đầu máy xe lửa Đà Nẵng,... góp phần nâng cao chất lượng vật đúc trong điều kiện công nghiệp miền Trung. Nhiều đề tài cấp trường về lĩnh vực đúc-luyện kim cũng đã được các hội viên là giảng viên của khoa Cơ khí trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng tham gia nghiên cứu và áp dụng thực tế tại các cơ sở sản xuất. Việc đào tạo và bồi dưỡng kiến thức cho các cơ sở đúc- luyện kim trên địa bàn Quảng Nam-Đà Nẵng được thực hiện có hiệu quả và được các đơn vị ghi nhận.
Hội KHKT Đúc-Luyện kim Đà Nẵng đã phối hợp với Trung tâm khuyến công tỉnh Quảng Nam bồi dưỡng kiến thức cho tất cả các thợ đúc đồng của làng nghề đúc đồng Phước Kiều, xã Điện Dương, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Làng đúc Phước Kiều là một địa chỉ có tên tuổi trong lịch sử phát triển nghề đúc đồng Miền Trung, thậm chí, theo các nghệ nhân cao tuổi kể lại, làng đúc Phước Kiều là nơi được nhà vua ở Huế điều ra đúc các đồ đồng cho triều đình Huế và từ đó hình thành làng đúc đồng ở Huế ngày nay. Cũng từ kết quả bồi dưỡng kiến thức cho các thợ đúc Phước Kiều, nhiều sản phẩm đúc lớn như chuông ở chùa Pháp Quang của thành phố Hồ Chí Minh, cồng chiêng đường kính lớn cho các tỉnh Tây nguyên,... đều được hội Đúc-Luyện kim Đà Nẵng tư vấn kỹ thuật và chế tạo thành công.
Về tư vấn phản biện xã hội, hội KHKT Đúc-LK Đà Nẵng cũng thường xuyên tham gia đánh giá tác động môi trường (ĐTM) cho các dự án liên quan đến đúc và luyện cán thép, nhất là các cơ sở luyện cán thép trong khu công nghiệp Liên Chiểu của thành phố Đà Nẵng. Hội KHKT Đúc- LK Đà Nẵng cũng đã cử người phản biện và tham gia hội đồng đánh giá tác động môi trường do Sở Tài Nguyên-Môi trường tỉnh Thừa Thiên- Huế thành lập cho dự án “Đầu tư nhà máy Tuyển-luyện khoáng sản Thừa Thiên-Huế” để luyện sắt xốp và luyện vàng của tập đoàn Công nghiệp mỏ Đại Sơn. Những thành tích hoạt động của Hội KHKT Đúc-Luyện kim Đà Nẵng đã được Hội KHKT Đúc- Luyện kim Việt Nam ghi nhận và đã được đề nghị Liên hiệp các hội KH&KT Việt Nam tặng bằng khen vào năm 2013. Mặc dù đã có những hoạt động thiết thực, đóng góp vào sự phát triển của ngành đúc-luyện kim trên địa bàn Miền Trung và Tây Nguyên, nhưng cho đến nay, Hội KHKT Đúc-LK Đà Nẵng vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong công tác tổ chức và hoạt động. Việc tổ chức đại hội các nhiệm kì vẫn còn bị kéo dài, trong 25 năm qua hội chỉ mới tổ chức đại hội được 2 lần, đại hội lần 2 sau 15 năm và dự kiến đại hội lần 3 sau 10 năm.
Những khó khăn tồn tại trước hết là do đặc điểm của thành phố Đà Nẵng, đại hội đảng bộ thành phố lấy sự phát triển du lịch và công nghệ cao làm mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, vì vậy ngành đúc và luyện-cán thép bị coi là ảnh hưởng tới môi trường, một số doanh nghiệp luyện-cán thép đang đứng trước nguy cơ phá sản, do không có chủ trương ổn định trong quy hoạch khu công nghiệp dành cho các doanh nghiệp luyện-cán thép. Vai trò của hội trong việc bảo vệ quyền lợi cho các doanh nghiệp ngành đúc-luyện kim trên địa bàn thành phố Đà Nẵng do đó cũng bị hạn chế, thậm chí không thể giúp đỡ tư vấn được cho các doanh nghiệp đang gặp phải khó khăn đó. Cũng chính vì vậy, các hội viên không “mặn mà” với hội, làm ảnh hưởng đến hoạt động của hội, thậm chí đã có lúc nghĩ đến nguy cơ giải thể hội.
Tháng 5/2019, Hội KHKT Đúc-Luyện kim Đà Nẵng đã được đón tiếp và làm việc với ông Chu Đức Khải, Chủ tịch Hội KHKT Đúc-Luyện kim Việt Nam, ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch danh dự Hội KHKT Đúc-Luyện kim Việt Nam. Hội Đà Nẵng đã báo cáo về những khó khăn nội tại của hội, vấn đề tồn tại hay giải thể hội cũng đã được đưa ra. Tại buổi làm việc, Hội KHKT Đúc-LK Đà Nẵng đã nhận được các ý kiến chỉ đạo trực tiếp về các hoạt động của hội và ghi nhận những khó khăn mà hội ở Đà Nẵng đang gặp phải. Các ông Khải và Cường đã động viên Ban chấp hành Hội KHKT Đúc-Luyện kim Đà Nẵng cố gắng khắc phục khó khăn, duy trì hội và triển khai đại hội nhiệm kì 3 để mở ra một bước đi mới cho hội tại Đà Nẵng và các tỉnh Miền Trung và Tây Nguyên.
Được sự quan tâm, động viên và giúp đỡ nhiệt tình của Hội KHKT Đúc-Luyện kim Việt Nam, cũng như của Liên hiệp các hội KH&KT thành phố Đà Nẵng, Hội KHKT Đúc-Luyện kim Đà Nẵng đã tiến hành họp BCH mở rộng, tại cuộc họp này các ủy viên BCH đã quyết tâm khắc phục khó khăn để ổn định tổ chức hội và tiến hành đại nhiệm kỳ 3 dự kiến vào đầu tháng 10 năm 2019. Các công tác chuẩn bị cho đại hội lần thứ 3 đang được tích cực triển khai. Với khí thế của một thành phố Đà Nẵng sôi động và đáng sống, cùng nhiều dự án công nghiệp FDI được đầu tư tại Đà Nẵng, với sự chỉ đạo sát sao của Hội KHKT Đúc-Luyện kim Việt Nam và Liên hiệp các hội KH&KT thành phố Đà Nẵng, các hội viên của hội đã thể hiện một khí thế mới, với quyết tâm sẽ tiến hành tổ chức thành công đại hội nhiệm kỳ 3. Hy vọng sau đại hội lần thứ 3, Ban chấp hành được bầu sẽ tạo một bước chuyển biến mới, nhằm thực hiện tốt những nhiệm vụ đề ra trong nghị quyết của đại hội, đánh dấu một mốc son trong sự nghiệp xây dựng và phát triển của hội KHKT Đúc-Luyện kim Đà Nẵng.