Ngưỡng ô nhiễm không khí ở Hà Nội cao chưa từng thấy
PGS TS NGUYỄN ĐỨC KHIỂN 05/08/2020
Theo Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường, từ ngày 5 đến 12/11/2019, chất lượng không khí Hà Nội diễn biến theo chiều hướng xấu. Đặc biệt, hôm qua ghi nhận chỉ số chất lượng không khí AQI giờ vượt ngưỡng 300 (mức nguy hại), ngưỡng toàn bộ dân số có thể bị ảnh hưởng sức khỏe nghiêm trọng, cần cảnh báo khẩn cấp.
The threshold of air pollution in Hanoi has never been higher
PGS TS NGUYỄN ĐỨC KHIỂN
Nguyên Giám đốc Sở KHCNMT Hà Nội
Theo Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường, từ ngày 5 đến 12/11/2019, chất lượng không khí Hà Nội diễn biến theo chiều hướng xấu. Đặc biệt, hôm qua ghi nhận chỉ số chất lượng không khí AQI giờ vượt ngưỡng 300 (mức nguy hại), ngưỡng toàn bộ dân số có thể bị ảnh hưởng sức khỏe nghiêm trọng, cần cảnh báo khẩn cấp. Nồng độ PM2.5 tăng cao vào khoảng thời gian từ nửa đêm đến sáng sớm.
Đặc biệt từ 1 đến 7h sáng, chỉ số AQI tại các trạm quan trắc đặt tại phố Phạm Văn Đồng, số 556 đường Nguyễn Văn Cừ, phố Minh Khai và Chi cục BVMT Hà Nội đều vượt ngưỡng giá trị 300 (mức nguy hại). Giá trị AQI giờ cao nhất ghi nhận được là 364 (mức nguy hại) tại trạm 556 Nguyễn Văn Cừ lúc 5 giờ sáng. Ngày 12/11, chỉ số chất lượng không khí buổi sáng ở Hà Nội lên ngưỡng nguy hại, ngưỡng ô nhiễm nghiêm trọng nhất, gây nguy hiểm đến sức khỏe tất cả mọi người. Đây là đợt ô nhiễm không khí nặng nề nhất từ đầu mùa thu đến nay. Ô nhiễm không dừng ở Hà Nội mà lan ra toàn miền Bắc và các tỉnh Bắc Trung bộ bao gồm cả điểm đo các tỉnh miền núi phía Bắc như: Việt Trì, Tuyên Quang, Thái Nguyên, các địa phương ở đồng bằng sông Hồng như Hải Phòng, Hưng Yên, Hải Dương, Ninh Bình, Thái Bình hầu hết ở ngưỡng đỏ, xấp xỉ ngưỡng tím.
Như vậy Hà Nội và các tỉnh miền Bắc đã trải qua một tuần ô nhiễm không khí cực kỳ nghiêm trọng với xu hướng ô nhiễm tăng dần lên, từ ngưỡng đỏ, qua ngưỡng tím rồi lên ngưỡng nguy hại. Theo nhận định sơ bộ của Tổng cục Môi trường, nguyên nhân của hiện tượng này là từ 4 đến 12/11, miền Bắc không có mưa, độ ẩm không khí thấp, trời nắng, nhiệt độ chênh lệch giữa ngày và đêm cao dẫn đến hiện tượng nghịch nhiệt, các chất ô nhiễm trong không khí không thể phát tán lên cao và đi xa. Tổng cục Môi trường khuyến cáo, để bảo vệ sức khỏe, người dân nên hạn chế tập thể dục ngoài trời vào buổi sáng, hạn chế mở cửa sổ và nên sử dụng khẩu trang chống bụi, đeo kính khi ra đường.
BỤI PHỦ KHẮP CÁC TUYẾN ĐƯỜNG
Những ngày qua thời tiết hanh khô, không có mưa khiến khói bụi tiếp tục gia tăng làm các chỉ số không khí tại Hà Nội tiếp tục xấu đi. Ngoài các chỉ số đo đạc, bằng cảm nhận trực quan, không quá khó để cảm nhận sự bức bí, ô nhiễm của môi trường thủ đô những ngày này. 17h30 chiều 11/11, bến xe bus cổng Học viện Ngân hàng, đường Chùa Bộc (quận Đống Đa) mù mịt bụi do một công trường xây dựng đổ vật liệu ra đường. Trong khi đó, vỉa hè bị đào lên để lắp cáp điện, viễn thông. Những người đi qua đây phải lấy tay bịt mũi. 9h30 sáng 12/11, nút giao thông Ngã Tư Sở hướng Ngã Tư Vọng có mật độ giao thông đông đúc, các phương tiện nhích từng mét một. Tuyến đường gần 3 km không phải giờ cao điểm nhưng lúc nào cũng trong tình trạng ùn tắc, bụi bay khắp nơi. Người dân bức xúc vì thành phố không có giải pháp ngăn chặn bụi mịn, chỉ trông vào trời mưa.
Ông Lê Hữu Cầu, trú tại phường Khương Trung, quận Thanh Xuân nói: “Việc ô nhiễm này không thể xem nhẹ, lãnh đạo thành phố Hà Nội nên có kế hoạch và giải pháp cụ thể. Nếu chúng ta không quản lý được các xe chở vật liệu đất đá từ công trường thì chưa thể giải quyết dứt điểm vấn đề. Chính các phương tiện đó xả đất đá ra đường làm cho lượng bụi tăng lên”. Các khu vực có mật độ dân số, xe cộ ít hơn nhưng cũng không tránh khỏi hiện tượng bụi phát tán. Đường Sa Đôi đi qua phường Phú Đô (quận Nam Từ Liêm) đang được gấp rút hoàn thiện, vật liệu xây dựng ngổn ngang. Mỗi khi có ô tô cỡ lớn đi qua, người dân phải đóng kín cửa để hạn chế bụi. Đường Nguyễn Trãi, Mễ Trì, Lương Thế Vinh, Vũ Hữu, Tố Hữu... nhiều đoạn cũng đang được đào lên để lắp cáp điện, rải thảm khiến khu vực này luôn trong tình trạng bức bối.
Bác sĩ Nguyễn Thị Hương, công tác tại Trung tâm Hô hấp (BV Bạch Mai, Hà Nội) cho biết, trung bình mỗi người cần 10.000 lít không khí để thở mỗi ngày. Do đó, chất lượng không khí không bảo đảm có thể gây hàng loạt bệnh tật về đường hô hấp, tim, ung thư. Người bệnh thấy khó thở, ho nhiều hơn, kèm theo tức ngực và các dấu hiệu của một đợt bệnh cấp tính. Theo bác sĩ Hương, bụi mịn sẽ thấm nhiễm vào trong máu, các cơ quan trong cơ thể, gây bệnh lâu dài. Ô nhiễm không khí ảnh hưởng sức khỏe con người, tác động tiêu cực tới quá trình điều trị của bệnh nhân, khiến bệnh tình nặng hơn, kéo dài thời gian điều trị. “Người già, trẻ nhỏ thường có sức đề kháng kém nên việc hít phải các chất bụi, hoặc khói trong không khí sẽ dễ bị tổn thương niêm mạc và mắc các bệnh viêm nhiễm ở đường hô hấp”
MONG THÀNH PHỐ TƯỚI NƯỚC RỬA ĐƯỜNG
Năm 2016, UBND TP Hà Nội yêu cầu Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội (Urenco) tạm dừng việc phun rửa đường tại một số tuyến phố để thí điểm bằng phương tiện quét rác, hút bụi tự động. Một năm sau, xe quét rác kiêm hút bụi tự động được triển khai rộng rãi tại nhiều quận. Hệ thống xe hút bụi, hút rác không mang đến hiệu quả mong đợi được xem là một phần nguyên nhân khiến không khí thủ đô ô nhiễm nặng nề.
Một công nhân môi trường cho hay, để xe hút quét phát huy tác dụng tối đa, cần phun nước dập bụi trong suốt quá trình vận hành. “Đường phố nhỏ, vỉa hè người dân để xe máy nhiều thì rất khó dùng máy quét, nếu dùng máy không đúng cách thì chỉ thổi bụi bay tứ tung và nguy hiểm hơn”, anh này nói. Bà Trần Thị Thanh có cửa hàng trên đường Nguyễn Chí Thanh đề nghị: “Từ lâu tôi không còn thấy xe rửa đường mà chỉ còn hút bụi, việc chỉ hút mà không rửa như quét nhà nhưng không lau. Mỗi lần xe hút rác đi qua cửa hàng nhà mình là bụi bay mù mịt, tất cả đều phải đóng cửa, chờ 5 đến 10 phút mới tiếp tục buôn bán.
Ông Bùi Mạnh Cường, trú tại phường Dịch Vọng (Cầu Giấy) cho rằng khí hậu tại Hà Nội không giống như các thành phố khác, nhân sự, công tác vận hành máy hút bụi cũng không được bài bản như tại Đức. Hơn nữa, vào mùa khô lượng bụi rất lớn, cắt bỏ rửa đường khiến lượng bụi gia tăng: “Có thể thành phố tiết kiệm được một khoản ngân sách nhưng thực tế lại khiến sức khỏe nhân dân bị ảnh hưởng, kéo theo nhiều hệ lụy, gánh nặng cho xã hội”.
BẮC KINH THÀNH CÔNG NHỜ TUYÊN CHIẾN VỚI Ô NHIỄM
Năm 2014, Bắc Kinh bị đánh giá là nơi con người “gần như không thể thở nổi”. Thủ đô của Trung Quốc khi đó đang trải qua đợt ô nhiễm tồi tệ nhất trong lịch sử. Với mức ô nhiễm cao gấp 45 lần giới hạn khuyến cáo, Bắc Kinh xếp thứ 40 thế giới về nồng độ bụi mịn PM2.5. Ngày 3/4/2014, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tuyên bố trước 3000 đại biểu Quốc hội và hàng triệu người đang theo dõi qua truyền hình: “Chúng ta sẽ kiên quyết tuyên chiến với ô nhiễm như từng tuyên chiến với đói nghèo”. Tuyên bố này đánh dấu sự thay đổi về chính sách. Trong một thời gian dài, Trung Quốc luôn ưu tiên tăng trưởng kinh tế hơn môi trường, vì thế nhiều người hoài nghi liệu nước này có thực sự giải quyết được tình trạng ô nhiễm.
Bốn năm sau tuyên bố đó, số liệu cho thấy Trung Quốc chiến thắng với tốc độ kỷ lục. Các thành phố giảm được trung bình 32 % nồng độ bụi mịn trong không khí chỉ trong vòng 4 năm. Trung Quốc làm thế nào để có kết quả đó. Trong vài tháng trước khi ông Lý đưa ra tuyên bố trên, nước này công bố một chương trình hành động cuốc gia về cải cách chất lượng không khí, trong đó có yêu cầu tất cả các khu vực đô thị phải giảm ít nhất 10 % nồng độ bụi mịn, một số thành phố khác phải cắt giảm nhiều hơn. Bắc Kinh phải giảm 25 % và thành phố này quyết định dành nguồn kinh phí 120 tỷ USD để thực hiện mục tiêu đó. Để triển khai kế hoạch, Trung Quốc cấm xây thêm nhà máy nhiện điện chạy bằng than ở các khu vực ô nhiễm nhất cả nước, trong đó có thủ đô. Các nhà máy đang hoạt động phải giảm lượng khí phát thải. Nếu không, than sẽ thay bằng khí tự nhiên. Những thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu,... hạn chế lượng lượng ô tô chạy trên đường. Trung Quốc cắt giảm năng lượng sản xuất của các nhà máy thép và đóng cửa nhiều mỏ than. Một số hành động không chỉ quyết liệt mà còn khác thường. Ví dụ, năm 2017 Bộ Bảo vệ môi trường đưa ra “Kế hoạch chiến đấu” dài 143 trang, trong đó yêu cầu xóa sổ lò đốt than mà nhiều gia đình và doanh nghiệp sử dụng và sưởi ấm trong mùa đông. Lệnh cấm này được áp dụng dù lựa chọn thay thế không phải chỗ nào được có. Lệnh cấm khiến một số gia đình, sinh viên và doanh nghiệp trải qua mùa đông không có gì sưởi ấm.
Thành công của Trung Quốc trong công cuộc chống ô nhiễm không khí là bài học cho thấy sự giận dữ của người dân và nỗi xấu hổ trước cộng đồng quốc tế có thể khiến chính quyền phải hành động. Trong năm 2014, New Delhi phản đối kết luận của tổ chức Y tế thế giới (WHO) rằng không khí ở thành phố này bẩn hơn ở Bắc Kinh. Đến nay, Bắc Kinh đã thoát khỏi danh sách 200 thành phố ô nhiễm nhất không khí, còn Delhi đang ở phía ngược lại. Khi miền bắc Ấn Độ và một số khu vực của Pakistan đang trải qua một đợt ô nhiễm không khí lên đến ngưỡng nguy hiểm, trò đổ lỗi nổ ra giữa các chính trị gia ở hai phía của biên giới. Các bộ trưởng của Pakitan cho rằng chất lượng không khí tồi tệ ở một số thành phố của họ như Lahore là do tình trạng đốt rơm rạ bên phía Ấn Độ. Ở bên kia biên giới một chính trị gia Ấn Độ nói rằng, không khí độc hại đang bao trùm thủ đô New Delhi có thể đến từ Pakitan hoặc Trung Quốc. Ông Vineet Agarwal Sharda, lãnh đạo đảng BJP cầm quyền nói rằng “khí độc” có thể do một trong hai nước láng giềng xả ra và gây ô nhiễm cho thủ đô của Ấn Độ, BBC đưa tin.
BAN BỐ TÌNH TRẠNG Ô NHIỄM
Tổng cục Môi trường cho biết, theo dự báo thời tiết, miền bắc sắp đón đợt không khí lạnh kèm theo mưa, tình trạng ô nhiễm không khí sẽ giảm, chất lượng không khí sẽ được cải thiện. Tuy nhiên, theo các chuyên gia môi trường, mùa đông là mùa ô nhiễm không khí nghiêm trọng khi hiện tượng nghịch nhiệt thường xuyên xẩy ra, “Từ nay đến mùa xuân sang năm sẽ còn nhiều đợt ô nhiễm không khí nghiêm trọng hơn nữa” chuyên gia môi trường Đào Nhật Đình nhận định. Chỉ tính riêng từ cuối tháng 8 đến nay, Hà Nội đã trải qua 4 đợt ô nhiễm không khí đặc biệt nghiêm trọng với xu hướng đợt sau lâu hơn, nghiêm trọng hơn đợt trước. Tuy nhiên chưa thấy cơ quan chính quyền ban bố tình trạng khẩn cấp với giải pháp cấp bách.
Tại hội thảo “Tham vấn ý kiến đại biểu Quốc hội về một số định hướng lớn cần sửa đổi, bổ sung trong dự án Luật Bảo vệ môi trường và Luật Đất đai” diễn ra chiều ngày 11/11, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, Việt Nam còn thiếu hành lang pháp lý để quản lý chất lượng môi trường không khí, thực hiện các biện pháp ứng phó tình trạng ô nhiễm không khí nặng tại các đô thị. Dự án Luật Bảo vệ môi trường sẽ sửa đổi, bổ sung các quy định về quan trắc, thông tin chất lượng không khí, xác lập các khu vực có nguy cơ hoặc dấu hiệu ô nhiễm không khí, kế hoạch quản lý chất lượng không khí đối với các vùng có nguy cơ hoặc dấu hiệu bị ô nhiễm, áp dụng các biện pháp khẩn cấp đối với trường hợp ô nhiễm không khí ở mức nguy hại đối với sức khỏe cộng đồng. Dự kiến dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) được trình Quốc hội vào quý I/2020 và thông qua quý IV/2020.
TRIỂN KHAI CÁC GIẢI PHÁP GIẢM Ô NHIỄM
Giải thích về nguyên nhân ô nhiễm không khí tăng cao, Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội cho biết, vào ban ngày nền nhiệt tăng khá cao (nhiệt độ cao nhất 28 oC); buổi tối, nhiệt độ lại giảm sâu (thấp nhất 19 oC) gây ra hiện tượng nghịch nhiệt bức xạ. Đồng thời, những ngày này tốc độ gió luôn ở mức thấp, các nguồn thải hàng ngày không phát tán lên cao mà bị giữ lại lơ lửng ở lớp khí quyển sát mặt đất. Tuy nhiên, theo thông tin từ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, từ chiều 13/11, miền Bắc đón đợt không khí lạnh kèm theo mưa. Mưa sẽ rửa trôi các chất ô nhiễm trong không khí và gió giúp không khí lưu thông tốt hơn, tình trạng ô nhiễm sẽ giảm, chất lượng không khí được cải thiện hơn. Mặc dù vậy, Chi cục Bảo vệ môi trường khuyến cáo người dân nên sử dụng khẩu trang đạt chuẩn để chống bụi, đeo kính khi ra đường...
Hiện nay, thành phố Hà Nội đang triển khai nhiều giải pháp để cải thiện môi trường như: Tăng cường thanh tra, kiểm tra các công trình xây dựng, phương tiện giao thông gây bụi, phân làn giao thông nhằm hạn chế ùn tắc... Cùng với đó là tiếp tục thúc đẩy việc trồng thêm cây xanh, thay thế bếp than tổ ong... Trước tình trạng trên, trao đổi với phóng viên Báo Hà Nội mới, bác sĩ Đoàn Thị Anh Đào, Trưởng khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Thanh Nhàn cho biết: Thời tiết giao mùa, hanh khô, kèm theo chất lượng không khí kém ảnh hưởng tới những bệnh nhân có sẵn bệnh lý về hô hấp. Người bệnh sẽ thấy khó thở nhiều hơn, ho nhiều hơn, kèm theo tức nặng ngực và các dấu hiệu của đợt cấp sẽ xuất hiện. Do vậy, những người đã mắc bệnh về hô hấp không nên ra ngoài khi không có việc thật sự cần thiết. Riêng với bệnh nhân hen và bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính cần phải tuân thủ và duy trì thuốc hằng ngày theo chỉ định của bác sĩ. Còn theo PGS TS Phạm Tuấn Cảnh, Giám đốc bệnh viện Tai - Mũi - Họng trung ương, để phòng bệnh liên quan đến tai, mũi, họng người dân cần đeo khẩu trang chất lượng tốt khi ra đường. Ngoài ra, hằng ngày cần vệ sinh mũi, họng bằng dung dịch nước muối sinh lý hoặc nước sát khuẩn mũi họng theo hướng dẫn của bác sĩ, nên bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng, đặc biệt là với trẻ có sức đề kháng yếu.
NÊN HẠN CHẾ RA ĐƯỜNG
Hà Nội khuyến cáo, với chất lượng không khí như hiện tại, tất cả người dân ở thủ đô nên hạn chế ra ngoài. Nếu phải ra ngoài, nên đeo khẩu trang chống bụi PM2.5 đạt chuẩn. Đặc biệt, học sinh không tham gia hoạt động vui chơi ngoài trời. Trao đổi với phóng viên báo Tiền Phong chiều 12/11, đại diện Chi cục Bảo vệ môi trường (sở TN&MT Hà Nội) xác nhận, sáng cùng ngày, nhiều điểm quan trắc ở Thủ đô ghi nhận chất lượng không khí chạm ngưỡng “Rất xấu” trong nhiều giờ liên tục, được thể hiện bằng màu tím (cảnh báo ảnh hưởng đến sức khỏe tất cả mọi người). Thời điểm có chất lượng không khí mức xấu nhất là (6 - 7) h. Đến 10 h, nồng độ bụi có xu hướng giảm, với tốc độ chậm. Theo vị này, nguyên nhân ô nhiễm phụ thuộc nhiều yếu tố, trong đó các nguồn thải nhân tạo như hoạt động giao thông, dân sinh, xây dựng, công nghiệp... diễn ra thường xuyên nên lượng phát thải này có thể không biến động nhiều.
Tuy nhiên, tùy từng thời điểm, chất lượng không khí có sự biến động theo ảnh hưởng của điều kiện khí tượng. Thời điểm đầu mùa Đông bức xạ mặt trời thường yếu hơn mùa hè, tuy nhiên, vào ban ngày, mặt đất bê tông hóa vẫn bị đốt nóng khiến nền nhiệt tăng khá cao (nhiệt độ cao nhất 28 oC). Buổi tối, nhiệt độ lại giảm sâu (thấp nhất 19 oC), mặt đất nhanh chóng lạnh đi khiến nhiệt độ ở tầng khí quyển sát mặt đất cũng giảm và thấp hơn khối không khí bên trên, gây ra hiện tượng nghịch nhiệt bức xạ vào giữa đêm và sáng sớm. Đồng thời, những ngày này không có gió mùa Đông-Bắc tăng cường nên tốc độ gió luôn ở mức thấp. Tĩnh gió kết hợp nghịch nhiệt làm cho nguồn thải hằng ngày không phát tán lên cao được mà bị giữ lại lơ lửng ở lớp khí quyển sát mặt đất, khiến nồng độ chất thải rất cao. Ngoài ra, những ngày gần đây, khu vực ngoại thành vẫn còn tồn tại việc đốt phụ phẩm nông nghiệp, đốt rác tự phát, thải ra một lượng khói bụi lớn. Đây có thể là một trong những nguyên nhân đóng góp vào ô nhiễm không khí những ngày qua.
LÀM THẾ NÀO ĐỂ GIẢM THIỂU Ô NHIỄM KHÔNG KHÍ Ở HÀ NỘI
Chưa bao giờ Hà Nội lại trải qua một đợt ô nhiễm không khí nặng nề đến như vậy. Kể từ ngày 13/9/2019, Hà Nội liên tiếp lọt vào top các thành phố có chất lượng không khí kém nhất thế giới, theo bảng xếp hạng của tổ chức AirVisual. Với chỉ số AQI luôn dao động ở mức 180-250, bầu không khí hiện tại ở thủ đô đang được đánh giá là không an toàn và cực kỳ không an toàn.
Đến sáng 1/10/2019, tình hình ô nhiễm chẳng những không giảm bớt mà còn có xu hướng trầm trọng thêm. Trong khoảng thời gian từ 8h30 đến 9h, thời điểm mà rất nhiều người dân đổ ra đường để đi làm, chỉ số AQI của Hà Nội trên trang AirVisual đã đạt con số kỷ lục 320. Ghi nhận tại vùng ngoại thành Hà Nội chiều 1/10, trên con đường Vân Trì, liên xã Vĩnh Ngọc và Vân Nội (Đông Anh) người dân đã gặt lúa xong. Số rơm rạ sau khi gặt xong được bỏ không ngoài đồng chờ khô rồi đốt. Bà Hoa (thôn Vân Nội) cho biết, để rạ tươi đốt thì khói, phơi khô đốt thì 10 phút là hết. Nhà bà Hoa có ruộng rau muống ngay cạnh ruộng nên việc đốt tro thuận tiện và đỡ phải mua tro tốn kém. Được biết, trước đây, gặt xong người dân thường mang rơm rạ về sân nhà đánh đống để trâu, bò ăn, ủ phân, hoặc làm chất đốt. Tuy nhiên, hiện nay việc đồng áng cày cấy sử dụng máy móc, nên nhà nông không còn nhu cầu sử dụng rơm rạ nữa.
Theo một lãnh đạo xã Vân Nội, vài năm trở lại đây, tình trạng đốt rơm rạ đã giảm bớt rất nhiều. Xã thường xuyên tuyên truyền, vận dộng nhân dân không đốt rơm rạ. Một yếu tố gây ô nhiễm môi trường là than tổ ong, như tại các phường Bạch Đằng, Lương Yên (quận Hai Bà Trưng), đến Phúc Tân, Chương Dương Độ (quận Hoàn Kiếm)... Đặc biệt tại các nhà hàng, tỷ lệ dùng bếp than vẫn rất nhiều. Theo số liệu của Sở Tài nguyên - Môi trường, Hà Nội có hơn 55.000 bếp than tổ ong, trung bình mỗi ngày thành phố tiêu thụ 528 tấn than tổ ong, phát thải 1870 tấn khí CO2 vào không khí. Tính đến tháng 7 năm 2019 thành phố Hà Nội có đến 700.000 ô tô và 5 triệu xe máy cá nhân và nhiều xe ô tô cá nhân không được đăng ký theo quy chuẩn, tiêu chuẩn đã làm cho thành phố càng bị ô nhiễm. Chỉ số ô nhiễm không khí của thủ đô liên tục ở ngưỡng cao, gây hại cho sức khỏe con người. Không khí ô nhiễm khiến cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng.
Một tuần nay, chị Trịnh Thị Bắc (chung cư cao cấp ở phường Vĩnh Tuy - quận Hai Bà Trưng) không cho con gái 3 tuổi đến trường. Chị cũng như hàng nghìn người dân thủ đô đang thấp thỏm, lo lắng vì mức ô nhiễm luôn ở mức cao báo động. Chị Bắc kể: “Mấy tuần nay cứ ra đường hay cần đi đâu gia đình đều gọi ô tô để di chuyển. Nếu phải đi bộ cũng dùng khẩu trang có than hoạt tính hoặc khử bụi mịn”. Gia đình chị cũng mua máy lọc không khí để giảm ô nhiễm trong nhà. Cùng chung cư này, nhiều cư dân đã tự tìm cách để gia đình nhỏ chống chọi với ô nhiễm không khí bằng cách hạn chế ra khỏi nhà, đóng kín cửa ngày đêm.
Anh Thông (40 tuổi) cho biết, không cần phải theo dõi chỉ số gì cao siêu, cứ mở cửa sổ ra mỗi sáng là có thể thấy màn sương bụi màu trắng đục bao quanh các tòa nhà. Do tòa nhà có hệ thống lấy gió tươi từ tầng thượng, tới đây nhiều cư dân sẽ kiến nghị cắt giảm hệ thống này để tránh bụi vào hành lang chung cư. “Tất cả cũng chỉ là giải pháp tình thế, về lâu dài tôi mong muốn đưa con cái đi nơi khác sinh sống”, anh Thông chia sẻ. Ghi nhận tại các tuyến đường lớn vào giờ cao điểm ngày 1/10, bụi trắng trời làm hạn chế tầm nhìn của người tham gia giao thông. Người dân có thể cảm nhận rõ lớp sương bụi dày đặc khi nhìn lên các tòa nhà cao tầng. Đa số người đi xe máy đều sẵn sàng khẩu trang, kính, áo chống nắng... nhưng không mấy tác dụng.
Chị Nguyễn Ngọc Diệp (khu tập thể Thành Công, quận Ba Đình) cho biết, mỗi lần đi xe máy ra đường, chị đều có cảm giác cay mắt, hắt hơi, sổ mũi. Chưa kể, người lớn trẻ nhỏ trong nhà liên tục nhiễm các bệnh liên quan hô hấp với biểu hiện ho nhiều, đau họng, khó thở. Buổi sáng thức dậy lên sân thượng tập thể dục hay ra công viên chạy bộ, nhiều người cảm thấy ngột ngạt. Nhiều người dân, nhất là người già, trẻ nhỏ khó ngủ hơn, thậm chí tức ngực khi ra đường.
Có thông tin cảnh báo ô nhiễm không khí tại thủ đô ở mức nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu tới sức khỏe. Thông tin đó cần tiếp tục được các chuyên gia phân tích, nhưng ô nhiễm không khí ở Hà Nội là có thật, nguyên nhân được chỉ ra là: Mật độ dân cư ngày càng tăng do tăng cơ học, kéo theo lượng ô tô, xe máy tăng chóng mặt; trong khi đó hạ tầng quá tải, tắc đường triền miên và ngày càng trầm trọng. Chưa kể những năm qua, số lượng và tốc độ dự án xây dựng hạ tầng, đô thị, chung cư tăng rất nhanh từ nội thành đến ngoại ô, trải dài bao quanh vành đai 3, biến Hà Nội thành một đại công trường. Tất nhiên, ô nhiễm do các đại công trường này không được kiểm soát tốt. Cùng đó, khí thải của các nhà máy, cơ sở sản xuất tại nội đô, người dân đốt rơm rạ ở các huyện ngoại thành, các tỉnh lân cận cũng góp phần làm không khí thêm ô nhiễm. Bị ảnh hưởng nhiều nhất và trước tiên là người nghèo, người không có điều kiện làm việc trong văn phòng. Nhưng nhìn sâu, sự tác động của ô nhiễm không khí chẳng từ một ai, Giảm tác hại bằng cách nào? Trong báo cáo chất lượng không khí 2018, Trung tâm Phát triển sáng tạo xanh (GreenID) khuyến cáo, để hạn chế tác hại ô nhiễm môi trường không khí lên sức khỏe, cần lựa chọn khẩu trang, máy lọc không khí phù hợp. Đồng thời, mỗi người dân cần có ý thức để bảo vệ môi trường.
Người dân có thể theo dõi chất lượng không khí hàng ngày trên các trang web hanoi.gov.vn (của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội), PAM Air, Airnet.vn, aqicn của Đại sứ quán Mỹ. Cùng với các gam màu xanh, vàng, cam, đỏ, tím, nâu phản ánh chất lượng không khí sẽ có khuyến cáo đi cùng. GreenID cho hay, để đảm bảo khẩu trang đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng và an toàn, với sản phẩm theo tiêu chuẩn Mỹ, cần kiểm tra đầy đủ thông tin có trên bao bì như: NIOSH, tên nhà sản xuất, loại tiêu chuẩn (N95, N99 hay N100). Với khẩu trang tiêu chuẩn Châu Âu (CE), cần kiểm tra đầy đủ thông tin trên bao bì như dấu “CE”, tên nhà sản xuất, chứng nhận EN149:2001 và loại tiêu chuẩn (FFP2, FFP3). Nếu làm việc trong môi trường có nhiều khí độc, hãy sử dụng khẩu trang N100 hoặc FFP3, có khả năng lọc cả bụi PM1 và khí gây hại. Giáo dục và tiến tới cấm người dân không được đốt rơm rạ ngoài đồng gây khói bụi ô nhiễm thành phố. Rơm rạ có thể dùng làm thức ăn nuôi trâu bò hay làm phân hữu cơ. Hạn chế sử dụng than tổ ong ở nội đô. Ngoài ra một số loại cây cảnh có khả năng lọc khí độc trong nhà được NASA phát hiện gồm cây lưỡi hổ, tuyết tùng, lan ý, dương xỉ, thường xuyên, trầu bà, nha đam, cây cọ, cây si…
Một trong những cách hiệu quả để duy trì chất lượng không khí trong nhà ở mức tốt là sử dụng máy lọc không khí. GreenID khuyến cáo, người dân cần cân nhắc khi mua máy lọc như mục đích (chủ yếu lọc bụi hay khử mùi), chất lượng màng lọc của thiết bị chọn mua, chi phí và khả năng mua màng lọc thay thế sau 1 năm sử dụng. Ngoài ra, phần lớn các loại điều hòa không khí đời mới có bộ phận lọc có thể giúp cải thiện một phần chất lượng không khí, quạt gió của điều hòa có thể giúp lưu thông không khí trong phòng. Vì vậy, mặc dù không bắt buộc, nhưng sử dụng điều hòa có thể giúp làm tăng hiệu quả lọc khí. Sử dụng giao thông công cộng góp phần giảm phát thải các chất gây ô nhiễm từ phương tiện giao thông cá nhân.
Ngoài ra, trong những ngày chất lượng không khí kém, di chuyển bằng phương tiện công cộng có thể phần nào giúp hạn chế tác động của ô nhiễm không khí với sức khỏe so với di chuyển bằng xe máy. Để giảm thiểu ô nhiễm, người dân có quyền hy vọng chính quyền thành phố sẽ làm tốt hơn những việc sau: trồng thêm cây xanh; giảm áp lực dân cư nội đô, hoàn thiện hạ tầng giao thông để giảm ô nhiễm, khói bụi; hiện thực hóa việc chuyển cơ sở sản xuất ô nhiễm, trường học, bệnh viện ra ngoài; xây dựng hệ thống quan trắc hiện đại, thường xuyên cập nhập thông tin tới người dân; kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm cơ sở gây ô nhiễm. Năm 1972, nhà khí tượng học và chuyên gia về lý thuyết hỗn loạn Edward Norton Lorenz đưa ra giả thuyết hiệu ứng cánh bướm: “Liệu một con bướm đập cánh trong rừng Amazon ở Brasil có thể gây ra cơn lốc ở Texas?” Và ông chứng minh rằng, cái đập cánh của con bướm nhỏ bé có thể gây ra sự thay đổi (dù rất nhỏ), dẫn đến kết quả là những thay đổi lớn về thời tiết, như cơn lốc tại một địa điểm cách nơi con bướm đập cánh hàng vạn kilomet. Nói cách khác, cái đập cánh của con bướm nhỏ kia, có thể gây bão ở một nơi nào đó trên trái đất. Cũng vậy, gây ô nhiễm hay giữ môi trường trong lành tùy thuộc vào mỗi hành động dù nhỏ của chúng ta. Không thể nói một hành vi xả rác bừa bãi, đốt một điếu thuốc, ăn một bữa tiệc xa xỉ... mà không làm ảnh hưởng đến môi trường. Giữ cho bầu trời mãi trong xanh, phụ thuộc vào ý thức, trách nhiệm và hành động của chính chúng ta.