Một số ý kiến về việc điều chỉnh Quy hoạch “Hệ thống sản xuất và phân phối thép đến năm 2025, định hướng đến năm 2035 của Bộ Công - Thương”
PHẠM CHÍ CƯỜNG 06/02/2018
Quốc hội Việt Nam đang chuẩn bị thông qua Luật Quy hoạch do Bộ Kế hoạch - Đầu tư trình duyệt theo hướng “Bỏ quy hoạch ngành, quy hoạch sản phẩm”, nhà nước sẽ quản lý các ngành kinh tế bằng các quy chuẩn, tiêu chuẩn và bằng các luật khác như Luật Doanh nghiệp, Luật Bảo vệ môi trường,...
Some comments about the “Adjustment of the planning for steel production and distribution system by 2025 and oriented to 2035” proposed by the Ministry of Industry and Trade
PHẠM CHÍ CƯỜNG
Chủ tịch Hội KHKT Đúc - Luyện kim Việt Nam
Quốc hội Việt Nam đang chuẩn bị thông qua Luật Quy hoạch do Bộ Kế hoạch - Đầu tư trình duyệt theo hướng “Bỏ quy hoạch ngành, quy hoạch sản phẩm”, nhà nước sẽ quản lý các ngành kinh tế bằng các quy chuẩn, tiêu chuẩn và bằng các luật khác như Luật Doanh nghiệp, Luật Bảo vệ môi trường,... chưa rõ thời gian và nội dung cụ thể của Luật Quy hoạch được thông qua và khi nào sẽ ban hành, nhưng Bộ Công - Thương đang khẩn trương thông qua và tổ chức Hội đồng thẩm định để trình Bộ trưởng Bộ Công - Thương phê duyệt bản “Điều chỉnh Quy hoạch hệ thống sản xuất và phân phối thép đến năm 2025, định hướng đến năm 2035” và đã ký hợp đồng với công ty tư vấn nước ngoài để thẩm định mặc dù các nhà khoa học và sản xuất luyện thép trong nước chưa được tham vấn rộng rãi. Vì vậy với kinh nghiệm trên 50 năm làm trong ngành luyện kim, tôi xin có một số ý kiến sau đây:
1. VIỆT NAM PHÁT TRIỂN NGÀNH LUYỆN THÉP TRONG ĐIỀU KIỆN KHÔNG CÓ LỢI THẾ CẠNH TRANH SO VỚI NHIỀU NƯỚC
- Mặc dù nhìn vào con số tăng trưởng sản lượng thép hàng năm, chúng ta thấy tăng nhanh và đáng tự hào vì năm 2016 sản xuất và tiêu thụ thép ở Việt Nam đã đứng đầu các nước Đông Nam Á với con số sản xuất các sản phẩm thép đã đạt trên 17,5 triệu tấn (trong đó: thép xây dựng 8,5 triệu tấn, thép tấm cán nguội 3,7 triệu tấn, thép ống gần 2 triệu tấn, thép tôn mạ kẽm và sơn phủ màu gần 3,4 triệu tấn thép). Tiêu thụ thép bình quân đầu người năm 2016 đạt 240 kg thép/người. Hầu hết các nhà máy thép đều có lợi nhuận. Nhưng nếu nhìn kỹ thì sự phát triển đó không bền vững và nếu cứ lạc quan đưa các con số quy hoạch lên cao thì sẽ gặp nhiều khó khăn và không khả thi vì:
- Nguyên liệu cơ bản cho luyện kim là than mỡ (than luyện ra than cốc) Việt Nam không có, nếu phát triển luyện thép sẽ phải nhập hầu như 100 % mà giá than thế giới ngày càng cao và biến động khôn lường. Quặng sắt Việt Nam không có nhiều, con số trên 2 tỷ tấn trữ lượng là con số đánh giá địa chất, còn khả năng khai thác thì ít hơn nhiều vì phần lớn là mỏ nhỏ, nằm rải rác, chất lượng quặng xấu vì Fe thấp, Mn cao, quặng ngậm nước (limonit). Mỏ quặng sắt được đánh giá là giầu sắt nhất là mỏ Thạch Khê thì quá khó để khai thác vì ở sát biển, thân quặng nằm sâu dưới mặt nước biển > 500 m. Quặng Thạch Khê lại có hàm lượng Zn cao từ 0,07 đến 0,08 % (gấp 10 lần quặng Fe thường dùng của thế giới và rất có hại cho tuổi thọ lò cao). Khi đặt vấn đề với nhiều nước để đầu tư vào khai thác mỏ Thạch Khê họ đã từ chối. Riêng hãng Nippon Steel của Nhật đã làm luận chứng khai thác 5 triệu tấn/năm và 1 tổ hợp các tập đoàn lớn của 3 nước (Đức, Nam Phi và Nhật) đã làm chung một luận chứng khai thác mỏ Thạch Khê công suất 10 triệu tấn/năm và đã đưa ra Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hiệp Quốc (UNIDO) đánh giá là khả thi về mặt kỹ thuật khai thác, nhưng khi thấy Zn cao, đã xin rút lui khỏi dự án vì quặng sẽ không bán được. Một số lò cao Việt Nam đang thiếu quặng giàu (Hòa Phát, VnSteel) muốn có quặng Thạch Khê, nhưng nếu sử dụng quặng Thạch Khê thì chỉ có thể pha thêm một tỷ lệ thấp và chưa rõ tác dụng phá hoại của thành phần Zn trong quặng sẽ ra sao. Nếu xuất khẩu thì chắc không ai mua, vì quặng Úc, Braxin, Ấn Độ đang dư thừa. Có một số nghiên cứu của hai nước gần đây cho biết là có thể dùng được quặng sắt có lượng Zn cao, nhưng phải cải tạo lò cao và khi vận hành sẽ tốn thêm 10% than cốc nên giá thành gang không cạnh tranh.
- Một phần lớn thép của Việt Nam sản xuất thời gian qua là dùng lò điện thì thép phế cũng phải nhập (80-90) % vì lượng thép phế trong nước có hạn. Năm 2016, Việt Nam phải nhập 4 triệu tấn thép phế. Ngành thép trong nước đang chịu sức ép là tiêu thụ điện quá lớn, ảnh hưởng chung đến quy hoạch điện cả nước và đang bị kiến nghị tăng giá điện dùng cho ngành thép. Năng lực phát triển luyện thép bằng lò điện vì vậy cũng bị hạn chế. - Việt Nam có lợi thế là bờ biển dài, có nhiều cảng nước sâu, thuận lợi cho đặt nhà máy Liên hợp luyện kim, nhưng những địa phương có cảng đang phải cân nhắc đến các lợi thế kinh doanh của các ngành nghề khác như: du lịch, cảng vận tải biển, khai khác chế biến thủy hải sản và vấn đề môi trường biển, vì khi có nhà máy luyện kim khai thác, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến các ngành nghề này.
- Phát triển luyện thép ở Việt Nam trong xu thế Việt Nam đã hội nhập sâu với các nước trên thế giới. Việt Nam ở sát với Trung Quốc là cường quốc về thép, đang dư thừa trên 200 triệu tấn công suất và đang xuất khẩu tràn ngập ra thế giới với giá rẻ, nên không thể tính nhu cầu thép của Việt Nam mà bỏ qua lượng thép nhập khẩu từ các nước khác. Vì vậy, cơ sở tính nhu cầu thép Việt Nam ở các năm theo kiểu “kinh tế tự cung tự cấp, khép kín” là không chuẩn. Nên nhớ rằng, năng lực sản xuất thép ở các doanh nghiệp Việt Nam chỉ mới sử dụng 60 % công suất thiết kế. Năm 2016, chúng ta sản xuất 17,5 triệu tấn thép thành phẩm thì vẫn phải nhập 17,5 triệu tấn thép từ các nước. Khi Việt Nam đã gia nhập WTO thì thép nhập khẩu không cản được.
- Các nhà máy sản xuất thép phải có bảo hộ rất cao của nhà nước mới có hiệu quả như đang đánh thuế nhập khẩu phôi thép tới 35 %, thuế nhập khẩu thép thanh, thép cuộn 25 % và khả năng bảo hộ sẽ không thể kéo dài. Tóm lại: Việt Nam rất cần thép với số lượng ngày càng lớn vì sự phát triển của nền kinh tế, nhưng không thể làm qui hoạch đuổi theo số lượng nhu cầu mà phải tính tới năng lực cạnh tranh của ngành thép. Với suy nghĩ như vậy, tôi thấy các số liệu của qui hoạch nêu ở các mốc thời gian 2025-2030 là không chuẩn vì chưa tính tới yếu tố thị trường và qui luật hội nhập kinh tế của Việt Nam. Cũng chính vì thế, ghi vào các bảng thống kê các dự án sẽ có ở các địa phương và công suất nhà máy là ý kiến chủ quan, không cần thiết, mặc dù chỉ là định hướng.
2. VỀ KIẾN NGHỊ CỦA BỘ CÔNG - THƯƠNG VÀ TẬP ĐOÀN THAN - KHOÁNG SẢN VIỆT NAM (TKV)
Về việc đề nghị cho tiếp tục khai thác mỏ quặng sắt Thạch Khê và trong Quy hoạch điều chỉnh (dự thảo) của Bộ Công - Thương đề nghị làm các nhà máy luyện thép chất lượng cao và thép hợp kim ở các địa phương có mỏ nhỏ (khu vực miền núi). Đây là đề nghị không chuẩn xác vì:
- Mỏ Thạch Khê là mỏ rất phức tạp, hiếm có trên thế giới như đã nói ở phần trên, vượt qua tầm của TKV, nên việc mỏ phải dừng khai thác 6 năm nay không chỉ vì thiếu vốn mà chính là thiếu hiểu biết và thiếu trách nhiệm khi tiến hành khai thác mỏ tháng 9/2009. Lúc đó chưa có luận chứng kinh tế - kỹ thuật được phê duyệt, chưa có thiết kế khai thác hoàn chỉnh, đặc biệt chưa có giải pháp kỹ thuật để ổn định bờ mỏ (là cát), bãi thải trên bờ, thải ra biển, xử lý nước ngầm, nước mặt, nước thải,... Tức là những vấn đề cơ bản về môi trường biển đều rất sơ sài. Khi đó, Hiệp hội Thép Việt Nam có gửi kiến nghị tới Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải và Bộ Công - Thương xem xét lại việc cho phép khai thác mỏ Thạch Khê, Phó Thủ tướng đã có trả lời và yêu cầu TKV phải làm phương án khai thác trình duyệt chính phủ, nhưng TKV vẫn tiếp tục khai thác với lý do khai thác thử với số tiền đã chi khá lớn (theo báo chí đưa tin đã tiêu tốn gần 2.000 tỷ đồng), kết quả là các xã lân cận bị hạn hán, chính phủ phải cứu đói, nước lũ đã lấp những đường hào thi công của TKV, buộc chính phủ phải ra quyết định dừng thi công bóc đất vào tháng 7/2001 và mỏ đóng cửa từ đó tới nay. Một câu hỏi đặt ra là TKV “khai thác thử” gì mà chi số tiền lớn như thế thì không thể giải thích nổi? Có ai quyết định làm thử mà bỏ ra gần 2000 tỷ đồng? Trách nhiệm thuộc về ai?
- Việc đầu tư nhà máy làm thép chất lượng và thép hợp kim đòi hỏi đầu tư lớn, vì thiết bị từ nấu luyện đến tinh luyện, nhiệt luyện,... đắt hơn nhiều so với nhà máy thép thông thường, muốn nhà máy có tính kinh tế và sản xuất có hiệu quả thì sản lượng thép không thể nhỏ mà thường từ vài chục vạn tới triệu tấn/năm. Trình độ kỹ thuật của cán bộ và công nhân phải cao. Ta đã từng nhờ Luxambua làm luận chứng khả thi cho một nhà máy thép hợp kim, họ yêu cầu công suất tối thiểu là 20 vạn tấn/năm và tiền đầu tư gấp 5 lần nhà máy thép lò điện có cùng công suất (năm 1995-1996) nên luận chứng đã không được thực thi. Với những yêu cầu như vậy mà đầu tư nhà máy với tiền đầu tư lớn ở vùng biên giới có mỏ nhỏ để sử dụng quặng địa phương là sai lầm. Chỉ vài năm, mỏ hết quặng thì nhà máy phải đóng cửa, gây lãng phí lớn, còn nếu tiếp tục sản xuất thì không khả thi.
3. VẤN ĐỀ SẢN XUẤT “SẮT XỐP” TRONG QUY HOẠCH NÊU RA CŨNG KHÔNG CHUẨN XÁC VÌ VIỆT NAM KHÔNG CÓ 2 ĐIỀU KIỆN CƠ BẢN ĐỂ SẢN XUẤT SẮT XỐP
- Không có hoặc có rất ít quặng giàu (Fe phải từ 65 đến 67 %) - Không có khí thiên nhiên giá rẻ (Mỹ đã giúp ta làm luận chứng kinh tế - kỹ thuật cho một nhà máy sắt xốp khi mới thiết lập quan hệ bình thường với Việt Nam, yêu cầu giá khí phải < 0,76 cent/1 triệu Btu) trong khi ở Việt Nam giá khí cao gấp nhiều lần và chỉ dùng cho làm phân bón và một phần cho phát điện. - Ba nhà máy sắt xốp hiện có ở Việt Nam dùng than Antraxit làm chất hoàn nguyên công suất rất nhỏ (5-10 vạn tấn/năm) sản xuất không ổn định, tuy đã sản xuất hàng chục năm nay mà vẫn lúc chạy lúc ngừng. - Các nhà máy sắt xốp dùng khí thiên nhiên ở Malaysia, Indonesia cũng đã đóng cửa, vì khí thiên nhiên được sử dụng cho các nhu cầu khác đạt hiệu quả kinh tế cao hơn so với dùng để sản xuất sắt xốp. - Trên thế giới, công nghệ sản xuất sắt xốp đã ra đời cách đây trên 50 năm, nhưng không phát triển. Sản lượng thép sản xuất từ sắt xốp trên toàn thế giới năm 2016 chỉ chiếm 4,5 % sản lượng của thế giới và tập trung ở các nước có nguồn khí thiên nhiên to lớn và giá rẻ (ở Trung Đông). Ở Việt Nam đã từng được UNIDO cấp vốn để làm thiết bị sản xuất sắt xốp bằng lò quay nhỏ vào những năm 90 ở thế kỷ trước với quy mô thử nghiệm (pilot), cũng đã không thành công khi dùng sắt xốp nấu thép ở lò điện MN và đã dừng nghiên cứu sản xuất sắt xốp từ những năm 90 của thế kỷ trước. Với những lý do nêu trên, không nên đưa sản xuất sắt xốp vào quy hoạch phát triển ngành thép Việt Nam. Và những thông tin ca ngợi về hướng phát triển này bị nhiễu loạn làm nhà nước tốn khá nhiều tiền những năm vừa qua.
4. VỀ QUI HOẠCH LÃNH THỔ ĐỂ PHÁT TRIỂN NGÀNH THÉP
Sau sự cố biển của Nhà máy liên hợp Formosa Hà Tĩnh năm 2016, Việt Nam đã có những bài học đắt giá:
- Không phải bất cứ đâu có biển nước sâu là làm liên hợp luyện kim vì môi trường biển là đặc biệt quan trọng. Đã làm nhà máy luyện thép chắc chắn ảnh hưởng đến các ngành kinh tế khác, buộc nhà nước phải cân nhắc một cách tổng thể lợi ích kinh tế mang lại từ các ngành kinh tế của địa phương so với lợi ích mang lại nếu làm nhà máy thép.
- Ngành thép Việt Nam đã quá dựa vào các dự án FDI để phát triển mà ít quan tâm đến phát triển nội lực. Nên chăng học tập nhiều nước đã không cho các dự án 100 % vốn nước ngoài đầu tư, trừ khi sản xuất thép đặc biệt và có kỹ thuật mới trong nước không làm được. Nên xem xét khả năng liên doanh với nước ngoài nếu ta thiếu vốn và cần kỹ thuật mới.
- Thái Lan đã từng có dự án thép liên hợp do Nhật Bản làm từ những năm 2000 và sau nhiều năm cân nhắc đã không thực hiện, mặc dù đã hướng dẫn các chủ tịch Hiệp hội thép các nước Đông Nam Á tham quan địa điểm nhà máy, chỉ vì vấn đề môi trường biển không được duyệt.
5. LÀM QUI HOẠCH PHÁT TRIỂN THÉP THEO KINH NGHIỆM CÁC NƯỚC MUỐN CHUẨN XÁC THÌ PHẢI DỰA TRÊN QUI HOẠCH PHÁT TRIỂN CỦA CÁC NGÀNH KINH TẾ CÓ SỬ DỤNG THÉP
Công nghiệp ô tô, xe máy, công nghiệp đóng tàu, công nghiệp xây dựng và kết cấu hạ tầng… Nhưng ở Việt Nam thì các ngành công nghiệp này chưa có qui hoạch hoàn chỉnh, như công nghiệp đóng tàu và ô tô, sau mấy chục năm xây dựng đã không đạt được kỳ vọng của nhà nước vì vậy những căn cứ lập qui hoạch thép chỉ dựa vào mức tăng trưởng GDP, hoặc theo kinh nghiệm của một số nước có hoàn cảnh tương tự Việt Nam... Có độ chuẩn xác không cao. Do đó, những con số sản lượng thép ở các mốc thời gian trong dự thảo qui hoạch của Bộ Công - Thương thường quá cao. Theo tính toán của Hiệp hội Thép Việt Nam thì con số sản lượng thép dự tính cho những năm 2020-2025 trong qui hoạch, thực tế chỉ có thể đạt rất thấp so với số liệu nêu trong qui hoạch (sản lượng gang chỉ có thể đạt 67 %, sản lượng thép chỉ đạt 46 - 50 %).
6. VỀ QUY HOẠCH HỆ THỐNG PHÂN PHỐI
Nếu đã theo quy luật kinh tế thị trường thì quy hoạch về phân phối sẽ do thị trường quyết định. Nghiên cứu qui luật phân phối thép của Việt Nam mấy chục năm qua sẽ thấy cách tổ chức phân phối thép của các doanh nghiệp luyện thép ở Việt Nam rất đa dạng và họ đã lựa chọn cách phân phối thích hợp với từng loại doanh nghiệp: Các doanh nghiệp có vốn 100 % nước ngoài họ có thị trường đa dạng, không chỉ trong nước Việt Nam mà có công ty mẹ ở nước họ với mạng lưới phân phối (xuất khẩu) toàn cầu. Các doanh nghiệp liên doanh vừa có thị trường ở Việt Nam vừa có thị trường xuất khẩu nên họ chỉ tổ chức phân phối tới các công ty thương mại lớn của Việt Nam. Các doanh nghiệp trong nước do quy mô không lớn thì vừa bán buôn (cấp I) vừa bán lẻ (cấp II), thậm chí còn tổ chức các cửa hàng bán thép trực tiếp cho người tiêu dùng ở các thành phố lớn trong cả nước.
Một số công ty thép lớn của Việt Nam đã mở rộng xuất khẩu, như Tập đoàn Hoa Sen, xuất khẩu trên 50 % sản phẩm tới hàng chục nước, đồng thời tổ chức mạng lưới phân phối tới hàng trăm các cửa hàng gia công và bán sản phẩm theo yêu cầu ở các địa phương từ Bắc tới Nam. Giá cả sản phẩm tùy thuộc vào thương hiệu, chất lượng sản phẩm và điều kiện phân phối sẽ do người tiêu dùng quyết định. Mỗi hình thức phân phối đều thích hợp với từng loại hình doanh nghiệp nên không thể lập qui hoạch cho hệ thống phân phối thép chung cho cả nước.
KẾT LUẬN
Trên đây là một số ý kiến về dự thảo qui hoạch phát triển ngành thép những năm 2020-2025 và tầm nhìn tới 2035. Có thể còn có những ý kiến chưa thật chuẩn xác do sự hiểu biết còn bị hạn chế, rất mong được các cơ quan quản lý và các chuyên gia trong ngành xem xét thảo luận để giúp cho ngành thép Việt Nam phát triển ngày càng bền vững, đóng góp cho sự phát triển kinh tế của đất nước. Việc tổ chức Hội đồng thẩm định để thông qua dự án “Điều chỉnh Quy hoạch hệ thống sản xuất và phân phối thép đến năm 2025, định hướng đến 2035” của Bộ Công - Thương là quá vội vàng, cần được các cơ quan nhà nước xem xét một cách thận trọng.