Trang chủ / Môi trường / Môi trường làng nghề

Môi trường làng nghề

PGS TS NGUYỄN ĐỨC KHIỂN 16/01/2021

Làng nghề Việt Nam là một thuật ngữ dùng để chỉ các cộng đồng dân cư, chủ yếu ở các ngoại vi thành phố và nông thôn Việt Nam, có chung truyền thống sản xuất các sản phẩm thủ công cùng chủng loại tại Việt Nam.

Environmental problems in craft villages

 PGS TS NGUYỄN ĐỨC KHIỂN 
Nguyên Giám đốc Sở KHCNMT Hà Nội

Làng nghề Việt Nam là một thuật ngữ dùng để chỉ các cộng đồng dân cư, chủ yếu ở các ngoại vi thành phố và nông thôn Việt Nam, có chung truyền thống sản xuất các sản phẩm thủ công cùng chủng loại tại Việt Nam. Hiện nay, cả nước có 5.400 làng nghề và làng có nghề (xem bảng 1). Làng nghề Việt Nam chủ yếu tập trung ở nông thôn, trong quá trình đô thị hóa một số làng nghề nằm ở đô thị. Cùng với sự phát triển chung của đất nước, số làng nghề và làng có nghề ngày càng tăng về số lượng. Điều này góp phần vào sự phát triển kinh tế, giải quyết vấn đề việc làm và tăng thu nhập cho người lao động ở nông thôn. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy hầu hết các làng nghề sản xuất, kinh doanh chỉ quan tâm nhiều đến lợi nhuận mà lờ đi yếu tố bảo vệ, giữ gìn môi trường trong lành cho cộng đồng. Điều này đang trở thành phổ biến hiện nay. Tình hình ô nhiễm làng nghề tại các tỉnh thành đang rất nghiêm trọng, nhất là khu vực phía Bắc, Bắc Trung Bộ như: Hà Nội, Bắc Ninh, Quảng Nam và khu vực Đông Nam Bộ,... (xem biểu đồ 1).

Miền Bắc60%
Miền Trung23%
Miền Nam17%

Biểu đồ 1. Tỷ lệ xã có làng nghề phân theo vùng

Theo tạp chí Môi trường, số 3/2016: Trung bình mỗi ngày, hoạt động sản xuất trong các làng nghề thải ra từ 300 đến 500 tấn bã, hơn 15.000 m3 nước thải, hàng trăm tấn chất thải rắn. Phần lớn các làng nghề có quy mô sản xuất nhỏ, mặt bằng chật hẹp xen kẽ với khu dân cư, quy trình sản xuất thô sơ, lạc hậu, chủ yếu tận dụng sức lao động trình độ thấp, ít áp dụng các tiến bộ khoa học thuật vào sản xuất, gây lãng phí tài nguyên và phát sinh nhiều chất gây ô nhiễm môi trường, tác động trực tiếp đến môi trường sống, điều kiện sinh hoạt và sức khỏe của người dân. Bên cạnh đó, kết cấu hạ tầng nông thôn như đường sá, cống, rãnh thoát nước thải không đáp ứng được nhu cầu phát triển sản xuất, chất thải không được thu gom và xử lý dẫn đến nhiều làng nghề bị ô nhiễm ngiêm trọng, cảnh quan thiên nhiên bị phá vỡ để nhường chỗ cho mặt bằng sản xuất và các khu tập kết chất thải. Chất thải từ các làng nghề đặc trưng theo hoạt động sản xuất của mỗi loại hình làng nghề và tác động đến môi trường trường nước, không khí và đất trong khu vực ở những mức độ khác nhau. Các làng nghề đang có xu hướng bị ô nhiễm nặng nề do nước thải từ chế biến lương thực, thực phẩm, chăn nuôi và giết mổ, đặc biệt là nước thải từ khâu lọc tách bã, tách bột đen của quá trình sản xuất tinh bột từ sắn, dong riềng. Trong khi đó, ô nhiễm chất vô cơ lại chủ yếu tập trung tại các làng nghề dệt nhuộm, thủ công mỹ nghệ và mây tre đan, tái chế giấy. Cùng với sự gia tăng về số lượng, chất lượng làng nghề ngày càng đa dạng và phức tạp về thành phần, có thể thấy rằng chất thải làng nghề bao gồm những thành phần chính như: phế phụ phẩm từ chế biến lương thực, thực phẩm, chai lọ thủy tinh, nhựa, nilon, vỏ bao bì đựng nguyên vật liệu, gốm sứ, gỗ, kim loại. Làng nghề là một trong những đặc thù của nông thôn nước ta. Phát triển kinh tế làng nghề là một xu hướng tất yếu nhưng trên thực tế, sức ép của các hoạt động này lên môi trường cũng không nhỏ. Bảo vệ môi trường làng nghề chính là giảm sức ép và bảo vệ môi trường nông thôn. 

Bảng 1. Các làng nghề truyền thống hiện đang hoạt động

STTTên làng nghề truyền thốngSản phẩm chínhQuận/HuyệnTỉnh/Thành
1.Làng Chàng SơnSản xuất đồ gỗThạch ThấtHà Nội
2.Làng nghề thủ công mỹ nghệ xã Đồng MinhĐiêu khắc gỗ, sơn mài, đắp vẽ hoa văn con giống kim cổ, phục chế di tích, chiếu cóiVĩnh BảoHải Phòng
3.Làng Thổ HàGốm mỹ nghệViệt YênBắc Giang
4.Làng Ninh VânĐá mỹ nghệHoa LưNinh Bình
5.Làng Kiêu KỵDát vàng quỳGia LâmHà Nội
6.Làng chài Cái BèoLàng chài biểnCát HảiHải Phòng
7.Làng gốm Phù LăngGốm mỹ nghệQuế VõBắc Ninh
8.Làng Phước TíchGốm mỹ nghệHương ĐiềnThừa Thiên Huế
9.Làng hoa Ninh PhúcTrồng hoaTP Ninh BìnhNinh Bình
10.Làng LũngTrồng hoaHải AnHải Phòng
11.Làng Đồng KỵGỗ mỹ nghệTừ SơnBắc Ninh
12.Làng Đông HồTranh dân gianThuận ThànhBắc Ninh
13.Làng cói Kim SơnLàng nghề cóiKim SơnNinh Bình
14.Làng Non NướcĐá mỹ nghệNgũ Hành SơnĐà Nẵng
15.Làng Châu KhêTrang sứcBình GiangHải Dương
16.Làng Đồng XâmChạm bạcKiến XươngThái Bình
17.Làng Vạn PhúcLụaHà ĐôngHà Nội
18.Làng nghề Sơn ĐồngGỗ mỹ nghệHoài ĐứcHà Nội
19.Làng Kiên LaoSản phẩm cơ khíXuân TrườngNam Định
20.Làng DiệcGỗ mỹ nghệHưng HàThái Bình
21.Làng Văn LâmThêu renHoa LưNinh Bình
22.Làng La XuyênChạm khảm gỗÝ YênNam Định
23.Làng Đại NghiệpMộc mỹ nghệPhú XuyênHà Nội
24.Làng Cao ThônHương trầmTP Hưng YênHưng Yên
25.Làng Đông GiaoChạm khắc gỗCẩm GiàngHải Dương
26.Làng Xuân LaiTre trúcGia BìnhBắc Ninh
27.Làng Đào Đông SơnNghề trồng hoa đàoTP Tam ĐiệpNinh Bình
28.Làng Hồi QuanDệtTừ SơnBắc Ninh
29.Làng Đại BáiĐúc ĐồngGia BìnhBắc Ninh
30.Làng Hương MạcChạm khảm gỗTừ SơnBắc Ninh
31.Làng Tam TảoDệtTiên DuBắc Ninh
32.Làng Phúc LộcNghề MộcTP Ninh BìnhNinh Bình
33.Làng Mai ĐộngGỗ mỹ nghệTừ SơnBắc Ninh
34.Làng Phù KhêChạm khắc gỗTừ SơnBắc Ninh
35.Làng Vọng NguyệtDệt tơ tằmYên PhongBắc Ninh
36.Bản Đỉnh SơnMây tre đan látKỳ SơnNghệ An
37.Làng Tân ChâuLụa lãnhTân ChâuAn Giang
38.Làng Tăng TiếnMây treViệt YênBắc Giang
39.Làng An HộiĐúc đồngGò vấpTP Hồ Chí Minh
40.LangfBayr HiềnDệt vảiTân BìnhTP Hồ Chí Minh
41.Làng nem Thủ ĐứcChế biến nem chảThủ ĐứcTP Hồ Chí Minh
42.Làng Bát TràngGốm mỹ nghệGia LâmHà Nội
43.Làng Nga SơnChiếu cóiNga SơnThanh Hóa
44.Làng CótVàng mãCầu GiấyHà Nội
45.Làng Phong KhêGiấy đống caoTP Bắc NinhBắc Ninh
46.Làng Trường YênNghề xây dựngHoa LưNinh Bình
47.Làng Đa HộiKim khíTừ SơnBắc Ninh
48.Làng Nha XáDệt lụaDuy TiênHà Nam
49.Làng nấu rượu Kim SơnNấu rượuKim SơnNinh Bình
50.Làng Bạch LiênNghề gốmYên MôNinh Bình
51.Cự KhêNghề làm miếnThanh OaiHà Nội
52.Làng gốm Gia ThủyNghề gốmNho QuanNinh Bình
53.Làng nghề rượu Phú lộcNghề nấu rượuCẩm GiàngHải Dương
54.Làng VòngCốmCầu GiấyHà Nội
55.Làng An TháiGiấyTây HồHà Nội
56.Làng La KhêThe lụaHà ĐôngHà Nội
57.Bàu TrúcGốmNinh PhướcNinh Thuận
58.Làng Đào ViênĐúc ĐồngThuận ThànhBắc Ninh
59.Làng Phú AnTủ bếp gỗPhúc ThọHà Nội
60.Làng Phú ĐôBúnNam Từ LiêmHà Nội
61.Làng Lai TriềuHương BàiThái ThụyThái Bình
62.Làng VânNấu rượuViệt YênBắc Giang

Nguồn:Bộ NN và PTNT, 2016

Trách nhiệm, nghĩa vụ của cộng đồng dân cư trong kiểm soát ô nhiễm môi trường làng nghề ở Việt Nam hiện nay. 

Trách nhiệm của cộng đồng dân cư trong việc bảo vệ môi trường cũng được quy định cụ thể tại các điều 81, 82, 83 và 146 Luật Bảo vệ môi trường năm 2014. Đặc biệt, liên quan đến hoạt động kiểm soát ô nhiễm môi trường tại các làng nghề, trách nhiệm của tổ chức tự quản về bảo vệ môi trường cũng được quy định một cách rõ ràng, cụ thể. Đây là tổ chức được thành lập và hoạt động dựa trên nguyên tắc tự nguyện, cộng đồng trách nhiệm. 

Trong quá trình kiểm soát ô nhiễm môi trường tại các làng nghề, tổ chức tự quản về bảo vệ môi trường có trách nhiệm bố trí lực lượng, phương tiện và thiết bị thu gom, vận chuyển chất thải rắn đến các điểm tập kết theo quy định, thực hiện việc quản lý, vận hành, duy tu, cải tạo các quy trình thuộc kết cấu hạ tầng về bảo vệ môi trường theo sự phân công của UBND cấp xã, niêm yết các quy định theo dõi, đôn đốc việc thực hiện giữ vệ sinh nơi công cộng, xây dựng và tổ chức thực hiện hương ước, quy ước có nội dung kiểm soát ô nhiễm môi trường, tuyên truyền, vận động nhân dân xóa bỏ các hủ tục, thói quen mất vệ sinh, có hại cho môi trường, tham gia kiểm tra,giám sát thực hiện quy định về giữ gìn vệ sinh và bảo vệ môi trường của cơ sở trên địa bàn theo sự phân công của UBND cấp xã. Khi phát hiện ra dấu hiện bất thường về ô nhiễm môi trường hoặc sự cố môi trường hoặc các hành vi vi phạm quy định pháp luật về kiểm soát ô nhiễm môi trường tại địa bàn được phân công quản lý thì xử lý theo thẩm quyền hoặc báo cáo cho UBND cấp xã. Báo cáo UBND cấp xã về hiện trạng hoạt động hoạt động, tình hình thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải theo quy định 4. 

Mặt khác, vai trò của cộng đồng dân cư trong hoạt động đánh giá môi trường cũng vô cùng quan trọng. Pháp luật về đánh giá môi trường đã quy định từ khâu lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, chủ dự án đã phải tổ chức tham vấn ý kiến của đại diện cộng đồng daancw tiếp đó đến khâu thẩm định hay giám sát sau thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, pháp luật quy định cộng đồng dân cư có quyền đưa ra ý kiến đồng ý hay không đồng ý đối với việc đặt dự án tại khu vực nơi họ đang sinh sống hay đối với các phương án kiểm soát ô nhiễm môi trường của dự án. Họ có quyền kiểm tra, giám sát và phát hiện những hành vi vi phạm trong quá trình thực thi pháp luật về đánh giá môi trường của các chủ thể khác,… 

Với những quy định về trách nhiệm của cộng đồng dân cư trong kiểm soát ô nhiễm môi trường do các hoạt động của làng nghề gây ra ở Việt Nam, bước đầu đã tạo được những chuyển biến đáng kể về hành vi kiểm soát ô nhiễm ở cộng đồng dân cư.