Trang chủ / Tin tức chung / Chuyện của ba tôi và người thầy của ông về lò cao VN đầu tiên

Chuyện của ba tôi và người thầy của ông về lò cao VN đầu tiên

ĐMN 30/04/2020

Những ngày đầu xuân Tết Canh Tý, nhân lễ 100 ngày mất của Nhà giáo nhân dân Nguyễn Xuân Chánh, tôi cùng người bạn vong niên, nhà giáo Nguyễn Hoàng Nghị, đã đến thắp nén hương tưởng nhớ người thầy quá cố...

A story of my dad and his teacher about the first blast furnace in Vietnam 

LỜI CỦA BAN BIÊN TẬP LÊ KIẾN THIẾT

Những ngày đầu xuân Tết Canh Tý, nhân lễ 100 ngày mất của Nhà giáo nhân dân Nguyễn Xuân Chánh, tôi cùng người bạn vong niên, nhà giáo Nguyễn Hoàng Nghị, đã đến thắp nén hương tưởng nhớ người thầy quá cố. Chúng tôi đã trò chuyện cùng người con rể cả, anh Lê Kiến Thiết và được gặp phu nhân của thầy. Rất may mắn và thật tình cờ anh cho chúng tôi biết, hơn 70 năm trước đây ba của anh là cố Kỹ sư Lê Huy Yêm, người đã cùng cố Kỹ sư Võ Quí Huân - cha đẻ của “Lò cao kháng chiến” và các học trò đã đặt nền móng cho ngành Luyện kim Việt Nam ngày nay. Nhận được sự đồng ý của anh Lê Kiến Thiết, Ban Biên tập xin trích đăng lại bài anh viết nhân dịp 70 năm ra lò mẻ gang đầu tiên (năm 1948, tại Con Cuông, Nghệ An) của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa từ quặng sắt Vân Trinh, Nghi Lộc, Nghệ An. Trong khi biên tập, ngoài một vài chỉnh sửa cần thiết, chúng tôi đã cố gắng giữ nguyên ý của bản gốc. Cám ơn nhã ý của tác giả đã chuyển tới tài liệu quý và cầu chúc hai vị thông gia luôn được yên giấc ngàn thu. Nhân dịp kỷ niệm ngày thành lập Hội KHKT Đúc-Luyện kim Việt Nam, xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc tài liệu này.

FROM THE EDITORIAL BOARD

Early days of the new lunar year Canh Ty, on the celebration of 100 days of the death of the People's Teacher Nguyen Xuan Chanh, I and my friend, Nguyen Hoang Nghi, came to the memory of the past. We met Mr. Chanh’s lady and could talk with her son-in-law, Mr. Le Kien Thiet. It was very fortunate and so lucky to remember that more than 70 years ago under leadership of engineer Vo Quí Huan - “the father of the Resistance war’s blast furnace", Mr. Thiet’s father - engineer Le Huy Yem and colleagues were trying with great effort to lay a foundation for met- allurgical industry of Vietnam today. With the consent of Mr. Le Kien Thiet, editorial board would like to repost his article written on the occasion of 70 years of the first cast iron kiln of the Democratic Republic of Vietnam (in 1948, in Con Cuong, Nghe An) from the iron ore of Van Trinh, Nghi Loc, Nghe An. During the editing, in addition to a few necessary corrections, we tried to keep the original content. Many thanks for the author's intention to have sent the precious document and the best wish to dead persons for an eternal life. Towards the birthday of the Vietnam Vietnam Foundry and Metallurgy Sci. and Tech. Association (VFMSTA) this article would be present to readers. 

Ba tôi là kỹ sư Lê Huy Yêm (1929-2012) sinh ra trong một gia đình thân sỹ yêu nước ở Nghi Long, Nghi Lộc, Nghệ An. Ba tôi là một cựu chiến binh, nhưng phần lớn cuộc đời ông đã gắn bó với nghề luyện kim và có nhiều cống hiến với sự nghiệp luyện kim của đất nước. Trong số các huân và huy chương mà ông được nhà nước tặng thưởng có hai tấm huân chương Lao động, một tấm hạng ba và một tấm hạng nhất. Ba nói với tôi rằng hai tấm đều rất đặc biệt, tấm hạng nhất được trao tặng sau cùng, khi ông đã nghỉ hưu nhiều năm (2008), nhưng ông quý tấm hạng ba hơn. Hồi trước tôi không biết có điều gì đặc biệt ở tấm huân chương có phần dải cuống đã cũ sờn, và khi người của Viện Thi đua và khen thưởng đề nghị đổi bằng một tấm mới toanh thì ông không đồng ý. Nét mặt ánh lên vẻ hóm hỉnh, ông nói với tôi: “Mấy chú ấy không biết rằng với ba thì đó là tấm huân chương đầu tiên, ngoài ra ba biết giá trị thật của nó cao hơn tấm kia nhiều, nó làm bằng bạc nguyên chất đó, chỉ hồi trước người ta mới làm huân chương từ kim loại quý, con cầm cả hai tấm lên mà xem, tấm hạng nhất to đẹp hơn nhưng được dập bằng nhôm nên nhẹ phều. Ba là chuyên gia luyện kim mà”. Rồi ông kể cho tôi những chuyện liên quan đến tấm huân chương đó, thời ông được nhận (1957) chỉ rất ít người có được vinh dự như vậy. Ba tôi nói người có ơn lớn giúp ông có được tấm huân chương ấy là người thầy của ông, cố kỹ sư Võ Quí Huân, một trí thức Việt kiều được Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa về nước năm 1946, người được mệnh danh là cha đẻ của “lò cao kháng chiến” và là ông tổ nghề luyện kim hiện đại của Việt Nam. Chính cố kỹ sư Võ Quí Huân là người thầy đã dẫn dắt ông vào nghề luyện kim.

Kỹ sư Lê Huy Yêm và một trang sổ tay thời 1948-1954 với sơ đồ và các công thức thiết kế lò cao

Năm 1945 ba tôi rời sách bút và cuộc đời học sinh ở Trường Quốc học tham gia cách mạng ở Huế, rồi vào bộ đội. Năm 1946 ba tôi chiến đấu ở mặt trận Nam Lào nhưng bị thương phải giải ngũ. Ba tôi về quê làm công tác thanh niên, đồng thời tham gia dạy bình dân học vụ. Rồi ba tôi được cử đi học khóa đầu tiên của Trường Kỹ nghệ Trung bộ do kỹ sư Võ Quí Huân vừa mở ra để đào tạo cấp tốc các cán bộ kỹ thuật cho cuộc kháng chiến chống Pháp. Tốt nghiệp thủ khoa, ba tôi được thầy Huân chọn giao nhiệm vụ mang giữ các tài liệu của thầy, cùng thầy đi về Cầu Đất huyện Con Cuông ở miền tây Nghệ An bắt tay vào công việc nghiên cứu và xây dựng các lò cao để luyện gang. Trước đó kỹ sư Võ Quí Huân đã chỉ đạo bí mật di chuyển hàng nghìn tấn máy móc, thiết bị và vật tư từ Vinh lên xây dựng 3 nhà máy Kinh tế kháng chiến nằm trong những cánh rừng dọc theo sông Lam.  

Sau  nhiều  nỗ  lực  phi  thường,  vào  ngày 15/11/1948 thầy trò ba tôi đã nghiên cứu thiết kế lò cao và luyện thành công mẻ gang đầu tiên cho nước nhà. Ba tôi đã kể chi tiết sự kiện lịch sử này trong bài “50 năm thỏi gang đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa” in trên Tạp chí “Tri thức và Công nghệ” ra ngày 31 tháng 3 năm 1998. Thời gian ở Cầu Đất, các chiến sĩ quân giới Nghệ An đã vận hành hai chiếc lò cao nhỏ có dung tích 1 m³. Sang năm 1949, do nhiều cán bộ chiến sỹ bị sốt rét, đồng chí Trần Đăng Ninh chỉ đạo chuyển lò cao về Cát Văn thuộc huyện Thanh Chương. Với sự chỉ đạo của thầy Huân, ba tôi đã thiết kế ra lò cao lớn hơn có dung tích là 6 m³ được xây dựng tại Cát Văn. Lò vừa xây xong, chưa chạy thì giặc Pháp biết được cho máy bay ném bom. Kỹ sư Võ Quí Huân và ba tôi lên Việt Bắc gặp cấp trên xin chuyển việc xây lò cao ra đó. Cục trưởng Cục Quân giới là ông Trần Đại Nghĩa dẫn hai thầy trò tới gặp đại tướng Võ Nguyên Giáp, đại tướng nói không nên chuyển lên Việt Bắc vì giặc Pháp cũng đã đang chuẩn bị đánh lên Thái Nguyên. Hai thầy trò ba tôi đã quay lại khảo sát và quyết định sẽ xây dựng lò cao mới ở Như Xuân, Thanh Hóa. Năm 1950, kỹ sư Võ Quí Huân được điều lên Việt Bắc  làm Trưởng ban Kỹ thuật Cục Quân giới, ông bàn giao việc xây dựng lò cao cho xí nghiệp hóa chất Miền Nam đóng ở Chuối và cử ba tôi ở lại phụ trách thiết kế và vận hành các lò cao.

Bài đăng trên tạp chí “Tri thức và Công nghệ” (1998) của kỹ sư Lê Huy Yêm

Dù vậy, kỹ sư Võ Quí Huân vẫn còn tiếp tục kiêm giữ chức vụ Giám đốc Sở Khoáng chất kỹ nghệ Trung Bộ nên thỉnh thoảng vẫn quay về chỉ đạo công việc của lò cao, ông còn chỉ dẫn ba tôi chép lại cẩn thận vào sổ tay những chi tiết quan trọng trong số các tài liệu kỹ thuật lò cao mà ông mang từ Pháp về. Cuốn sổ tay đã trở thành cẩm nang giúp ích cho ba tôi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong suốt thời gian 5 năm ở Hải Vân. Từ những bước đi đầu đời dưới sự chỉ đạo của thầy Võ Quí Huân, ba tôi đã trở thành một chuyên gia thực thụ rồi gắn bó cuộc đời với sự nghiệp luyện kim của nước nhà. Hòa bình lập lại, ngoài những bằng khen, giấy khen các cấp thì phần thưởng danh giá mà ba tôi được nhận chính là tấm huân chương Lao động hạng ba, còn kỹ sư Võ Quí Huân thì cũng được thưởng huân chương Lao động hạng nhất trong dịp này. 

Ảnh chụp tại Đại hội Chiến sỹ thi đua ngành Công nghiệp toàn quốc năm 1956. Đầu bên trái hàng ngồi là các ông Nguyễn Văn Ngọc và Nguyễn Văn Hựng, đầu bên phải là kỹ sư Võ Quí Huân và tiếp là ông Trần Đại Nghĩa. Thứ năm và thứ sáu từ trái qua ở hàng đứng là các ông Lê Quang Thiệu và Lê Huy Yêm (ảnh tư liệu gia đình)

 Tiếp đó ba tôi được cử đi dự Hội nghị Chiến sỹ thi đua ngành Công nghiệp (1956) rồi Đại hội Anh hùng - Chiến sỹ thi đua toàn quốc (1958). Về sau này ba tôi còn đi xây dựng nhiều công trình luyện kim khác, có nhiều công trình to lớn hiện đại hơn, nhưng tình cảm và ký ức của ông về người thầy Võ Quí Huân và những năm tháng sống làm việc cùng đồng đội tại các lò cao ở Xí nghiệp Quân giới Hải Vân bao giờ cũng sâu nặng. Khoảng vài tháng trước khi mất, ba tôi bảo tôi đánh máy và gửi đi bản đề xuất với Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa kiến nghị nhà nước công nhận di tích lò cao là di tích lịch sử cấp quốc gia, kèm đó là một bài viết có nhan đề “Lịch sử lò cao NX3 Như Xuân Thanh Hóa” để các cơ quan chức năng có căn cứ xem xét. Ngày 18/4/2013, nhà nước đã có Quyết định Số 1456/QĐ-BVHTTDL của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận lò cao Hải Vân là di tích lịch sử cấp quốc gia. Tôi đã rất vui vì đề xuất của ba tôi đã được đáp ứng và trở thành hiện thực. Gần đây có một nhà văn cũng tiếng tăm đã đưa ra nhiều thông tin sai lệch như lò cao Như Xuân đã sản xuất ra mẻ gang đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào năm 1951, rằng người thiết kế ra lò cao Như Xuân là một người khác chứ không phải là ba tôi, kỹ sư Lê Huy Yêm. Cần khẳng định thời điểm luyện được mẻ gang đầu tiên của nước Việt Nam là một mốc son chói lọi đáng tự hào của ngành quân giới và cả dân tộc Việt Nam, nhưng đó là sự kiện đã diễn ra vào ngày 15/11/1948 tại lò cao ở Con Cuông, Nghệ An, năm 1948, từ quặng sắt Vân Trinh, Nghi Lộc, Nghệ An, đã được kể lại tỷ mỷ trong bài viết của kỹ sư Lê Huy Yêm trong tạp chí “Tri thức và Công nghệ” từ cách đây đã 20 năm. Người đi tiên phong trong việc nắm được công nghệ và kỹ thuật luyện gang và có công lao chế tạo, thiết kế thành công lò cao không ai khác chính là cố kỹ sư Võ Quí Huân. Còn trong bài viết năm 2012 gửi UBND tỉnh Thanh Hóa, kỹ sư Lê Huy Yêm đã nêu rõ các lò cao NX1, NX3 ở Như Xuân đều có nguồn gốc từ lò cao tại Cát Văn và ông chính là người đã thiết kế cả ba lò cao đó. Tháng 11 năm 2018 này có ngày kỷ niệm lần thứ 70 ngày ra mẻ gang đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, con xin viết lại chuyện này như là thắp một nén hương để tưởng nhớ ba và người thầy của ba.

Hà Nội, ngày 06 tháng 10 năm 2018