Tình hình sản xuất đúc Việt Nam
ĐÀO HỒNG BÁCH 18/04/2019
Trong những năm gần đây, tuy các doanh nghiệp cơ khí nói chung đã được Nhà nước cổ phần hóa, song do vai trò quan trọng của sản xuất đúc, nên nhà nước vẫn tiếp tục đầu tư.
Overview of Vietnam foundry Industry
ĐÀO HỒNG BÁCH
ĐẶT VẤN ĐỀ
Số liệu về sản xuất đúc hiện nay thực sự khó có thể đầy đủ, vì chưa có một hệ thống quản lý của nhà nước, hay của một tổ chức nào cung cấp được số liệu đáng tin cậy nhất. Do đó, trong báo cáo này tác giả đã sử dụng biện pháp thống kê riêng của mình. Đó là tham khảo số liệu được đăng ký công bố của các công ty trên các trang Web của mình. Tuy nhiên, số liệu đó cũng không được cập nhật, cũng như không thể đưa công khai và trung thực vì lý do kinh doanh. Vì vậy, tác giả cũng đã điều chỉnh theo những nguồn thông tin khác nhau, như các phân tích thực tế về thị trường, cũng như kinh nghiệm chuyên môn về công nghệ, dây chuyền sản xuất,... Nếu số liệu được đưa ra có sự không phù hợp với các tài liệu khác cũng là điều không thể tránh khỏi, mong bạn đọc hết sức thông cảm. Nếu bạn đọc có những nguồn thông tin tốt hơn và cập nhật hơn tác giả xin được liên hệ để giúp cho các phân tích lần sau được chuẩn xác hơn.
1. CẤU TRÚC SẢN XUẤT ĐÚC CỦA VIỆT NAM
a) Theo phân bố tỉnh và vùng miền
Số liệu thống kê và ước lượng phần đóng góp của các tỉnh theo các nhóm vật liệu chủ yếu được nêu trong bảng 1. Tổng sản lượng vật liệu đúc lên tới 500 nghìn tấn. Các số liệu được giới thiệu trên trang Web của các công ty hoặc các số liệu điều tra và làm tròn.
Bảng 1. Số liệu thống kê và ước tính về đúc của các tỉnh và ngành Đơn vị: tấn/năm
TT | Tỉnh | Số lượng cơ sở đúc | Hợp kim nhôm | Hợp kim đồng | Gang | Thép | Tổng | % của các tỉnh |
1 | Hà Nội | 25 | 35.260 | 150 | 9.452 | 21.001 | 65.870 | 19,2 |
2 | Hải Phòng | 26 | 1.901 | 0 | 72.600 | 4.001 | 78.502 | 22,9 |
3 | Hải Dương | 3 | 0 | 0 | 3.800 | 3.500 | 7.300 | 2,1 |
4 | Hưng Yên | 3 | 9.000 | 0 | 320 | 200 | 9.520 | 2,8 |
5 | Nam Định | 15 | 0 | 140 | 3.250 | 14.250 | 17.695 | 5,2 |
6 | Ninh Bình | 1 | 100 | 500 | 500 | 1.100 | 0,3 | |
7 | Bắc Ninh | 1 | 0 | 0 | 1.000 | 500 | 1.500 | 0,4 |
- | Vĩnh Phúc | 2 | 52.000 | 0 | 200 | 200 | 52.400 | 15,3 |
9 | Thái Nguyên | 9 | 100 | 100 | 14.900 | 12.200 | 27.300 | 8,0 |
10 | Quảng Ninh | 4 | 5 | 5 | 6.000 | 6000 | 12.010 | 3,5 |
11 | Phú Thọ | 1 | 10 | 10 | 500 | 500 | 1.020 | 0,3 |
12 | Tp.Hồ Chí Minh | 14 | 202 | 600 | 1.501 | 1203 | 16.600 | 4,9 |
13 | Đồng Nai | 17 | 13.270 | 150 | 9.400 | 6.950 | 29.770 | 8,7 |
14 | Bình Dương | 10 | 4.810 | 1.330 | 1.240 | 10.500 | 17.880 | 5,2 |
15 | Tây Ninh | 1 | 0 | 0 | 100 | 100 | 200 | 0,1 |
16 | Bà Rịa - Vũng Tàu | 1 | 0 | 0 | 100 | 100 | 200 | 0,1 |
17 | Cần Thơ | 1 | 0 | 0 | 100 | 100 | 200 | 0,1 |
18 | Long An | 3 | 630 | 0 | 100 | 100 | 830 | 0,2 |
19 | Đồng Tháp | 1 | 0 | 0 | 100 | 100 | 200 | 0,1 |
20 | Hà Tĩnh | 1 | 0 | 0 | 300 | 300 | 600 | 0,2 |
21 | Đà Nẵng | 3 | 0.0 | 100.0 | 700.0 | 700.0 | 15.000 | 0,4 |
22 | Làng Nghề | 7 | 0 | 30.300 | 45.000 | 60.000 | 135.300 | |
23 | Quân Đội | 6 | 5 | 0 | 140 | 730 | 875 | |
Tổng | 117.193 | 32.985 | 171.303 | 143.735 | 4783.72 | |||
% | 25,1 | 7,2 | 37,6 | 27,1 | 100 |
Các tỉnh sau đây được xem như không có cơ sở đúc: - Miền Bắc: Thái Bình, Lạng Sơn, Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Cạn, Tuyên Quang, Bắc Giang, Lào Cai, Yên Bái, Điện Biên, Hòa Bình, Lai Châu, Sơn La - Miền Trung: Thừa Thiên Huế, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Lâm Đồng, Kontum, Gia Lai, Đắc Lắc, Đắc Nông. - Miền Nam: Tiền Giang, An Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh, Hậu Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau. Các làng nghề đúc bao gồm: Đại Bái (Bắc Ninh), Lộng Thượng (Hưng Yên), Phường Đúc, Thủy Xuân (Huế), Phước Kiều (Quảng Nam), Trà Đông (Thanh Hóa), Mỹ Đồng (Hải Phòng), Ý Yên (Nam Định). Các cơ sở đúc trong quân đội: 111, 117, 125, 127, 129, 183. Số liệu trên cho thấy công nghiệp đúc tập trung chủ yếu vào các tỉnh (bảng 2):
Bảng 2
TT | Tỉnh | Số lượng cơ sở đúc | Hợp kim nhôm | Hợp kim đồng | Gang | Thép | Tổng | % của các tỉnh |
1 | Hải Phòng | 26 | 1.901 | 0 | 72.600 | 4.001 | 78.502 | 22,9 |
2 | Hà Nội | 25 | 35.260 | 150 | 9.452 | 21.001 | 65.870 | 19,2 |
3 | Vĩnh Phúc | 2 | 52.000 | 0 | 200 | 200 | 52.400 | 15,3 |
4 | Đồng Nai | 17 | 13.270 | 150 | 9.400 | 6.950 | 29.770 | 8,7 |
5 | Thái Nguyên | 9 | 100 | 100 | 14.900 | 12.200 | 27.300 | 8,0 |
6 | Nam Định | 15 | 0 | 140 | 3.250 | 14.250 | 17.695 | 5,2 |
7 | Tp.Hồ Chí Minh | 14 | 202 | 600 | 1.501 | 1.203 | 16.600 | 4,9 |
8 | Hưng Yên | 3 | 9.000 | 0 | 320 | 200 | 9.520 | 2,8 |
9 | Hải Dương | 3 | 0 | 0 | 3.800 | 3.500 | 7.300 | 2,1 |
Tổng (%) | 95.3 | 3.5 | 67,4 | 44,2 | 63,7 | 89,1 |
Sản xuất đúc của cả nước chỉ tập trung trong 9 tỉnh chiếm gần 90 %, các tỉnh còn lại gần như không có sản xuất đúc và có thể xem như là không có nếu không tính đến sản xuất qui mô thủ công làng nghề. Tỉnh Hải Phòng có sản lượng đúc lớn nhất là do có Nhà máy đúc Tân Long với công suất nhà máy li tâm đúc ống có suất lên tới 50.000 tấn/năm và khu công nghiệp Thủy Nguyên có nhiều cơ sở đúc có sản lượng đúc khá lớn. Hà Nội có các doanh nghiệp cổ phần được nhà nước đầu tư như các nhà máy Trần Hưng Đạo, Cơ khí số 1 HAMECO,... cũng như có nhiều nhà máy của nước ngoài như Nhật Bản có đúc áp lực nhôm phục vụ cho công nghiệp chế tạo xe máy Honda và ô tô Toyota, đặc biệt là các nhà máy HAL, VPIC và VAP của các công ty Nhật Bản. Tiếp đến là Vĩnh Phúc - trung tâm của Công ty Honda với công suất đúc áp lực nhôm lên tới 30000 tấn/năm. Nếu so sánh theo 3 miền (hình 1) thì Miền Bắc cũng tập trung sản xuất lớn nhất 82 %, trong khi Miền Trung chỉ chiếm một lượng rất nhỏ (1 %).
b) Sản lượng đúc theo nhóm vật liệu chính
Sản lượng phân bố theo 4 nhóm vật liệu chính là gang, thép, hợp kim nhôm và hợp kim đồng. Hợp kim nhôm chiếm tỷ trọng khá lớn, cho thấy vai trò của công nghiệp chế tạo ô tô, xe máy đòi hỏi công nghiệp đúc nhôm là rất lớn. Trên thế giới phân bổ tỷ trọng nhôm so với gang và thép (hình 3) cũng tương tự như thể hiện trên hình 2.
Hợp kim đồng được sử dụng chủ yếu trong khu vực làng nghề phục vụ cho nhu cầu sản phẩm mỹ nghệ và thờ cúng. Thị trường sử dụng các sản phẩm gang-thép vẫn chủ yếu là ngành công nghiệp phát triển đô thị, như hệ thống ống nước, nắp cống, cột đèn, chân đèn. Ngoài ra, một lượng gang-thép rất quan trọng dùng chế tạo các sản phẩm phục vụ cho công nghiệp xi măng như bi nghiền, tấm lót,...
c) Sản lượng đúc phân theo các loại hình công ty
Các công ty có thể phân theo nhóm của nhà nước, hoặc nhà nước chiếm cổ phần lớn và được đầu tư, công ty nước ngoài, tư nhân và làng nghề. Nhóm làng nghề được xếp vào một nhóm với trình độ công nghệ thấp hơn, có qui mô nhỏ lẻ và đối tượng sản phẩm không yêu cầu chất lượng kỹ thuật khắt khe, phục vụ cho dân sinh chứ không cho công nghiệp chế tạo. Tỷ phần tham gia sản xuất đúc thể hiện trên hình 4.
d) Sản xuất đúc theo đối tượng phục vụ
Sản xuất đúc của Việt Nam có thể chia thành 6 nhóm chính đó là (hình 5):
1. Phục vụ cho cơ khí chế tao: trước hết là sản xuất xe máy, ô tô; sau đến chế tạo các thiết bị cho ngành nông nghiệp như máy kéo, máy bơm, máy gặt …. Ở Việt Nam công nghiệp cơ khí chế tạo thực chất mới có 2 hướng chính này, và do đó sản phẩm dúc dành cho cơ khí chế tạo là phục vụ cho 2 lĩnh vực đó. Còn lại các nhóm thiết bị khác chủ yếu được nhập khẩu.
2. Phục vụ cho sửa chữa và thay thế: đây là nhóm sản xuất đúc phải phục vụ tuy nhiên hết sức khó khăn, bởi nhu cầu thị trường là rất ít, thường các sản phẩm thay thế cũng được nhập khẩu, cho nên việc cạnh tranh với thị trường nhập khẩu còn hết sức hạn chế, trước hết do trình độ công nghệ còn khá đơn giản, do nhận thức của người tiêu dùng do nhà sản xuất chưa có ý thức trong đầu tư lâu dài, ngoài ra còn phụ thuộc sự khuyến khích của nhà nước về phát triển công nghệ trong nước trong lĩnh vực vật liệu và công nghệ vật liệu. Đó là lý do tại sao tỷ phần tham gia của sản xuất đúc trong thị trường này còn rất hạn chế, chỉ chiếm 2 %.
3. Phục vụ cho xuất khẩu: đối với các công ty đúc, việc có được những hợp đồng với nước ngoài là rất quan trọng, tỷ phần chiếm trong sản phẩm đúc là khá lớn (16 %). Tuy nhiên thị trường này thường không ổn định, khó duy trì trong thời gian dài. Hơn nữa thị thường này yêu cầu chất lượng cao nhưng giá thành cũng không phải là quá cao. Muốn tham gia thị trường này thì doanh nghiệp phải đầu tư lớn nên tính rủi ro cũng không nhỏ, một khi nhu cầu lâu dài không còn nữa.
4. Phục vụ cho công nghiệp phát triển đô thị: đây là sản phẩm có nhu cầu lớn, đặc biệt hiện nay Việt Nam vẫn tiếp tục trong quá trình độ thị hóa nên thị trường này tiếp tục phát triển. Tuy nhiên, bởi sản phẩm không cần công nghệ và kỹ thuật cao nên hầu hết các công ty đúc nào cũng có thể tham gia, tính canh tranh cao, đặc biệt giá thành hạ, nên đây cũng là một sản phẩm lãi suất không lớn, khó bù lại cho việc đầu tư công nghệ tiên tiến.
5. Phục vụ cho sản phẩm mỹ nghệ và đồ thờ cúng: sản phẩm này chiếm tỷ phần rất lớn (22 %), ở vị trí thứ hai sau cơ khí chế tạo. Điều đó cũng chứng tỏ nhu cầu công nghiệp đúc vẫn còn chưa lớn, hoặc việc phát triển công nghiệp đúc thực sự là chưa thuận lợi.
6. Phục vụ cho công nghiệp xi măng: đây là một thị trường khá ổn định và còn tiếp tục duy trì lâu dài, thậm chí là tăng. Tuy nhiên nhận được hợp đồng với các nhà máy xi măng cũng khá gian nan.
II. VAI TRÒ CỦA NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI CÔNG NGHIỆP ĐÚC
Trong những năm gần đây, tuy các doanh nghiệp cơ khí nói chung đã được Nhà nước cổ phần hóa, song do vai trò quan trọng của sản xuất đúc, nên nhà nước vẫn tiếp tục đầu tư. Điều đó thể hiện ở quyết định của Bộ Công-Thương ký năm 2012 về “Quy hoạch phát triển ngành đúc Việt Nam giai đoạn 2009-2020 có xét đến 2025” với các dự án ưu tiên đầu tư được nêu trong bảng 3.
Bảng 3. Qui hoạch phát triển ngành đúc giai đoạn 2009-2020
TT | Tên dự án | Công suất (tấn/năm) | Dự kiến tổng mức đầu tư (triệu USD) | Địa điểm đầu tư | Thời gian dự kiến | |
Đến 2015 | 2016-2025 | |||||
1 | Nhà máy Diezel Sông Công | 5.000 (đầu tư mở rộng) | 10 | Thái Nguyên | 2012-2015 | |
2 | Nhà máy cơ khí nặng | 30.000 | 380 | Hải Phòng, Quảng Ninh | 2009-2016 | |
3 | Nhà máy Cơ khí HAMECO (di dời) | - 20.000 | 15 | Bắc Ninh | 2012 | |
4 | Nhà máy Cơ khí nặng số 3 Dung Quất | 30.000 | 250 | Quảng Ngãi | 2008-2012 | |
5 | Nhà máy chế tạo Bơm, quạt Hải Dương | 15.000 (đầu tư mở rộng) | 20 | Hải Dương | 2010-2015 | |
6 | Nhà máy chế tạo hộp giảm tốc Hải Phòng | 20.000 (đầu tư mở rộng) | 20 | Hải Phòng | 2010-2015 | |
7 | Nhà máy chế tạo van Hải Dương | 10.000 | 20 | Hải Dương | 2010-2015 | |
8 | Cty Phụ tùng máy số 1 INAKYNO | 200.000 Pitton/năm (đầu tư chiều sâu) | 6 | TP Hồ Chí Minh | 2010-2(115 | |
9 | Nhà máy tại Dung Quất, Quảng Ngãi. Nhà máy tại Bình Dương: cát đúc và sét đúc làm khuôn | ~ 15.000 (đầu tư mở rộng hoặc đầu tư mới) | 60 | Quảng Ngãi, và Bình Dương | 2010-2015 | |
10 | Nhà máy xe lửa Dĩ An | 5.000 (đầu tư mở rộng) | 14 | Binh Dương | 2010-2015 | |
11 | 2 Nhà máy đúc áp lực hợp kim nhôm, đúc nhôm khuôn cát nhựa furan | 2 x 10.000 (đầu tư mở rộng) | 80 | Sông Công Thái Nguyên và Tp Hồ Chí Minh | 2010-2015 | |
12 | Xí nghiệp sử lý và chế biến cát đúc tại Phú Hoà và sét đúc tại Di Linh, Quảng Ngãi | 100.000 (đầu tư mới) | 4 | Phú Hoà và Di Linh, Quảng Ngãi | 2010-2015 | |
13 | DN sản xuất vật liệu chịu lửa | 42.275 (đầu tư mới) | 16 | Thái Nguyên | 2010-2015 | |
14 | Nhà máy đúc ống nước gang cầu tại miền Trung | 30.000 (đầu tư mới) | 40 | Dung Quất | 2016-2020 | |
15 | Nhà máy đúc bi đạn, tấm lót tại Bà Rịa-Vũng Tàu | 20.000 (đầu tư mới) | 52 | Bà Rịa - Vũng Tàu | 2016-2020 |
Cho đến nay một số dự án đã hoàn thành và đưa vào hoạt động, chính vì thế mà công nghiệp đúc đã có thêm sức sống mới, cũng như trình độ kỹ thuật đúc của Việt Nam đã được nâng cao rõ rệt.
III. KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ
Từ thực trạng sản xuất đúc ở Việt Nam như đã nêu, có nhận xét là:
- Công nghiệp cơ khí chế tạo ở Việt Nam còn quá nhỏ bé, thị phần chế tạo lớn nhất và hiệu quả nhất vẫn thuộc các công ty nước ngoài, cụ thể là Nhật Bản với các thương hiệu như Honda (chế tạo xe máy), Toyota (chế tạo ô tô),... Trong khi công nghiệp đúc phục vụ cho lĩnh vực này vẫn do các công ty nước ngoài đảm nhận, đó là đúc áp lực cao đối với các sản phẩm nhôm. - Các sản phẩm công nghiệp đúc phục vụ cho các chi tiết thay thế cũng còn rất hạn chế, chưa thể cạnh tranh với việc sản phẩm nhập khẩu.
- Các công nghệ đúc cùng các sản phẩm đúc còn ở trình độ thấp, nếu xem xét kỹ thuật đúc hiện nay không chỉ có công nghệ khuôn, mà còn bao gồm cả công nghệ nấu-luyện hợp kim và các dụng cụ, vật tư cùng môi trường phụ trợ cho đúc.
- Định hướng của nhà nước, đặc biệt là thông tin thị trường và công nghệ để phát triển lành mạnh, tránh cạnh tranh khốc liệt đổi với công nghiệp đúc sẽ rất quan trọng, bởi qui mô đầu tư cho công nghiệp này là lớn. Từ đó có một số kiến nghị sau: - Cần phát triển ngành cơ khí chế tạo trước khi đầu tư cho phát triển ngành đúc, tránh cho công nghiệp đúc không có thị trường, hoặc có, nhưng rất không ổn định.
- Các tổ chức nhà nước, cũng như các tổ chức hội nghề nghiệp cần liên kết với các nhà sản xuất đúc để có một thông tin tốt cho thị trường, nhưng vẫn bảo đảm bí mật kinh doanh cho mỗi công ty. Trong các bài tiếp theo tác giả sẽ phân tích sâu hơn trình độ công nghệ, cũng như triển vọng lâu dài của công nghiệp đúc.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Nguyễn Văn Thái, Ngành công nghiệp đúc Việt Nam, Tạp chí KHKT Kim loại, số 62, 10/2015
- Viện công nghệ Mỏ -Luyện kim, Dự án qui hoạch ngành đúc từ 2015 đến 2020, 11/2009, Bộ Công-Thương
- Tổng cục Thống kê VN, số liệu từ 2010 đến 2019
- Tobias Held, Thorsten Lammers, A trend study of ecological product development partnerships in the German foundry value chain; https://www.researchgate.net/, 3/2018.