Tạo đột phá trong tăng trưởng và phát triển
PGS TS NGUYỄN ĐỨC KHIỂN 23/07/2018
Năm qua, nhờ có sự lãnh đạo của đảng, điều hành của chính phủ, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đất nước ta đã có được một năm hết sức đặc biệt, với sự chuyển biến mạnh mẽ để bước vào năm 2018 và những năm tiếp theo với niềm tin và sự phấn khởi cao.
To create breakthroughs in growth and development
PGS TS NGUYỄN ĐỨC KHIỂN
Nguyên Giám đốc Sở KHCNMT Hà Nội
Năm qua, nhờ có sự lãnh đạo của đảng, điều hành của chính phủ, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đất nước ta đã có được một năm hết sức đặc biệt, với sự chuyển biến mạnh mẽ để bước vào năm 2018 và những năm tiếp theo với niềm tin và sự phấn khởi cao. Thành tựu nổi bật nhất là lần đầu tiên vượt 13 chỉ tiêu, tạo nên đà thuận lợi cho năm 2018.
Vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế và khu vực được nâng cao, củng cố được lòng tin của người dân và doanh nghiệp vào sự lãnh đạo của đảng và nhà nước, vào tương lai tươi sáng của đất nước. Tuy vậy bước vào năm 2018, chúng ta đang đứng trước nhiều thách thức, đặc biệt là chủ nghĩa bảo hộ đang quay trở lại, những khó khăn nội tại của nền kinh tế cần nhiều thời gian và công sức để giải quyết. Trong lúc đó, những áp lực mới luôn đặt ra, như vấn đề tụt hậu, nguy cơ khó vượt qua bẫy thu nhập trung bình. Bên cạnh đó, chúng ta phải đối mặt với biến đổi khí hậu, đói nghèo, đặc biệt cuộc cách mạng 4.0. Việc thực hiện 3 đột phá chiến lược còn chậm, kết quả chưa đạt được nhiều.
Để vượt qua thử thách, thực hiện tốt nhiệm vụ năm 2018, Nghị quyết 01 vừa được ban hành đã đưa ra những mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp hết sức cụ thể, đầy đủ để nền kinh tế tiếp tục phát triển. Nghị quyết 01 đã cụ thể hoá được các nghị quyết của đảng, quốc hội và nhà nước về phát triển kinh tế-xã hội nhưng được trình bày cô đọng và có trọng tâm. Với 9 nhóm giải pháp nhiệm vụ trọng tâm, 59 nhiệm vụ, giải pháp cụ thể và 242 nhiệm vụ chi tiết giao cho các bộ, ngành, địa phương thực hiện, nhiều nội dung quan trọng trong nghị quyết được kỳ vọng sẽ tạo ra những đột phá trong năm 2018. Nhiệm vụ trọng tâm của Nghị quyết 01/2018 là giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, lấy tái cơ cấu nền kinh tế, lấy thực hiện đột phá 3 nhiệm vụ chiến lược làm trọng tâm. Bên cạnh đó phải có chuyển biến rõ nét của các lĩnh vực khác như xã hội, môi trường, cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng…
Phương châm hành động của chính phủ năm nay bao gồm 10 chữ “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo và hiệu quả”. Tuy mang tính khái quát cao nhưng thể hiện tư tưởng, hành động, chỉ đạo của chính phủ trong suốt cả một năm. Đó là lấy kỷ cương liêm chính làm nền tảng; phải hành động nhanh hơn, quyết liệt hơn; phải đổi mới, sáng tạo nhiều hơn và gắn với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và phải tái cơ cấu mô hình kinh tế gắn với mô hình tăng trưởng để từ đó nâng cao năng suất lao động, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Ông Trần Tuấn Anh - Bộ trưởng Bộ Công- Thương khẳng định: “Tiếp nối những thành tích đã đạt được trong năm 2017, bước sang năm 2018 - năm có ý nghĩa bước ngoặt quan trọng trong quá trình thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm và Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm, ngành công-thương cam kết sẽ nỗ lực ở mức cao nhất để hoàn thành tốt nhiệm vụ được quốc hội và chính phủ giao”.
Năm 2018, chính phủ đề ra hàng loạt chỉ tiêu quan trọng, trong đó, công nghiệp tăng 7,3 %, tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 8 đến 10 % so với năm 2017. Ngành công-thương sẽ có những giải pháp cụ thể để đạt mục tiêu trên. Năm 2017 đánh dấu những thành công của ngành công-thương với việc hoàn thành vượt mức tất cả các chỉ tiêu mà quốc hội và chính phủ giao. Đây sẽ là tiền đề tốt để bộ duy trì và củng cố thành tích này; tiếp tục thực hiện thành công các mục tiêu mà quốc hội và chính phủ đã giao đối với các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của bộ trong năm 2018. Với mục tiêu cao nhất là tập trung cho tăng tưởng, một số định hướng và giải pháp lớn mà Bộ Công- Thương sẽ tập trung đẩy mạnh trong năm 2018 và các năm tiếp theo, cụ thể như sau:
Tiếp tục bám sát diễn biến của thị trường để có các phương án sản xuất kinh doanh tối ưu nhằm đóng góp tốt hơn cho tăng trưởng GDP đối với các ngành công nghiệp; đẩy mạnh phát triển thị trường ngoài nước, khai thác tốt các FTA và ứng phó một cách chủ động, có hiệu quả với các xu thế bảo hộ và hàng rào kỹ thuật ở các thị trường trên thế giới, tăng cường công tác xúc tiến thương mại; tiếp tục thực hiện có hiệu quả chương trình người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.
Tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng và bảo vệ lợi ích của các ngành sản xuất trong nước; đẩy mạnh hơn nữa việc thực hiện cắt giảm các điều kiện kinh doanh để hỗ trợ doanh nghiệp tiếp tục gia tăng sản lượng, giải phóng lực lượng sản xuất gắn liền với đổi mới cơ cấu kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh; tiếp tục chỉ đạo sát sao việc xây dựng, hoàn thiện và triển khai công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, hướng tới xã hội hoá công tác bảo vệ người tiêu dùng; quản lý, phát triển lành mạnh thị trường hàng hoá, dịch vụ trong nước; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất kinh doanh.
Khẩn trương và tích cực tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt là các tập đoàn, tổng công ty trong các lĩnh vực trọng điểm của nền kinh tế để khơi thông nguồn lực, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh trong các ngành công nghiệp trọng điểm quốc gia.
Đây vừa là giải pháp mang tính trước mắt nhằm tiết giảm chi phí quản trị, nâng cao hiệu quả trong sản xuất kinh doanh, vừa là giải pháp mang tính chất lâu dài để bảo đảm tăng trưởng bền vững của nền kinh tế trong những năm tiếp theo. Những năm qua nông nghiệp đạt nhiều thắng lợi lớn trong việc khắc phục 16 cơn bão và 4 cơn áp thấp nhiệt đới, xuất khẩu đạt 36,37 tỷ USD, đặc biệt bước đầu thành công trong chiến lược xoay trục trong nông nghiệp. Năm 2017 cũng là năm đánh dấu một bước ngoặt lớn trong việc xoay trục phát triển các mặt hàng nông sản chủ lực.
Từ trước đến nay chúng ta coi trọng mặt hàng lúa gạo là số 1, nhưng giờ chúng ta đã chuyển sang thủy sản, trái cây, đứng đầu là hai ngành hàng chúng ta xác định còn dư địa phát triển, xuất khẩu trái cây năm vừa qua tăng trưởng hơn 40 % so với năm 2016, còn ngành thủy sản thì riêng xuất khẩu tôm đã tăng hơn 22 %... trong khi xuất khẩu lúa gạo chỉ đạt được 2,6 tỷ USD. Năm 2017 cũng chứng kiến sự xoay trục các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Những năm trước đây toàn ngành nông-lâm-ngư nghiệp chỉ có hơn 3.000 doanh nghiệp, chiếm chưa đến 1 % tổng số doanh nghiệp cả nước, nhưng riêng năm 2017, đã thêm 1.995 doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, đưa tỷ trọng số doanh nghiệp lên 1,5 %. Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp tư nhân lớn, trước đây thành công ở những lĩnh vực khác, thì những năm gần đây đã xoay trục đầu tư vào khu vực nông nghiệp, trong đó có nhiều tập đoàn lớn như Vingroup, Hòa Phát, Ngân hàng Bắc Á, Gelexmco… có 3 nội dung then chốt không chỉ trong năm 2018 mà cả trong thời gian tới.
Một là chương trình tái cơ cấu theo hướng hàng hóa, chuỗi giá trị và thích ứng biến đổi khí hậu. Đây là nội dung lớn, cần tiếp tục duy trì và triển khai có trách nhiệm để đạt hiệu quả lớn, bền vững hơn, sâu sắc hơn.
Thứ hai là tiếp tục chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Hiện nay, chúng ta mới bảo đảm 32 % số xã đạt chuẩn, so với mục tiêu đến năm 2020 chúng ta phấn đấu 50 % số xã trong tổng số gần 9.000 xã đạt tiêu chí nông thôn mới. Cần tập trung vào chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đi sâu vào chất lượng với 3 nhóm vấn đề cơ bản: thúc đẩy sản xuất, xử lý môi trường và an ninh trật tự xã hội.
Thứ 3 là ứng phó với biến đổi khí hậu, hạn chế rủi ro do BĐKH gây ra.
Ông Nguyễn Xuân Cường Bộ trưởng Bộ NN PTNT khẳng định: “Việc quan trọng là phải hoàn thành chuỗi sản xuất khép kín từ phát triển vùng nguyên liệu, chế biến, công tác thị trường. Trong chuỗi này xác định doanh nghiệp là hạt nhân liên kết thị trường với các hợp tác xã và với nông dân, chính vì vậy những chính sách phối hợp với doanh nghiệp được coi là nhiệm vụ quan trọng năm vừa rồi, đã có thêm gần 2.000 doanh nghiệp tập trung đầu tư vào khu vực nông nghiệp với giá trị đầu tư hàng tỷ USD. Khoản vốn hoàn toàn của doanh nghiệp và huy động vốn tín dụng, trong đó có những tập đoàn rất lớn kỳ này cũng đầu tư vào khu vực nông nghiệp, cho thấy rằng, sự quan tâm này của cả hệ thống chính trị, các thành phần kinh tế và đặc biệt ở đây nữa, tôi phải khẳng định riêng về HTX kiểu mới vừa rồi cũng bùng nổ.
Để giữ chân doanh nghiệp và tạo dựng lòng tin, thì trước hết phải tập trung cải cách hành chính để doanh nghiệp yên tâm đầu tư vào ngành. Cùng với đó, phải phối hợp chặt chẽ, coi khó khăn của doanh nghiệp chính là khó khăn của ngành, của địa phương, trên cơ sở đó phối hợp chặt chẽ với các bộ và các địa phương để tháo gỡ, phải xác định đồng hành với doanh nghiệp, người ta khó cái gì phải cùng gỡ, nhất là thị trường. Chúng tôi mong là không phải “níu giữ” nữa mà là động viên, khuyến khích nhiều doanh nghiệp vào ngành hơn. Trên cơ sở đó, các doanh nghiệp sẽ cùng bàn với địa phương về phát triển hợp tác xã kiểu mới thành trụ cột liên kết với hơn 10 triệu hộ nông dân, thực hiện cho được việc tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng hàng hóa, chuỗi giá tri khép kín từ nguyên liệu, chế biến, đến phát triển thị trường”.
Năm 2107, tăng trưởng GDP đạt 6,81 %, lạm phát chỉ 3,53 % trở thành những điểm nhấn cơ bản của kinh tế vĩ mô. Kết quả này có được là do sự chỉ đạo, điều hành sát sao của chính phủ. Đồng thời, điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động hệ thống TCTD đã đóng góp phần rất tích cực trong đó. Trả lời phỏng vấn báo Kinh tế VIệt Nam bà Nguyễn Thị Hồng, Phó thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam cho rằng: “Cần nhận định kết quả tăng trưởng kinh tế vượt bực của năm 2017 là thành quả nỗ lực chung của nền kinh tế, đặc biệt là sự chỉ đạo quyết liệt của chính phủ trong việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho hoạt động sản xuất-kinh doanh của doanh nghiệp, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, khuyến khích doanh nghiệp khởi nghiệp, sáng tạo, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, nhất là đối với các ngành sản xuất định hướng xuất khẩu, môi trường kinh tế vĩ mô ổn định. Trong kết quả chung nêu trên, có một phần đóng góp tích cực từ điều hành chính sách tiền tệ, thể hiện trên các mặt sau:
Thứ nhất đã góp phần bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, tạo môi trường thuận lợi, giảm rủi ro cho các hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư. Cụ thể: lạm phát được kiểm soát ở mức 3,53 %, thấp hơn chỉ tiêu do quốc hội đề ra. Đáng chú ý, điều hành chính sách tiền tệ đã giúp đảm bảo duy trì lạm phát cơ bản bình quân cả năm ở mức 1,41 %, tạo dư địa để chính phủ điều chỉnh giá các mặt hàng và dịch vụ nhà nước quản lý (điện, dịch vụ y tế). Cùng với đó, mặt bằng lãi suất cho vay có xu hướng giảm (0,5 – 1) %/năm; dự trữ ngoại hối nhà nước tăng kỷ lục, củng cố và gia tăng niềm tin của nhà đầu tư đối với môi trường vĩ mô Việt Nam.
Thứ hai, chính sách tiền tệ đã đáp ứng đủ vốn cho nhu cầu phát triển sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Từ đầu năm, căn cứ mục tiêu tăng trưởng và lạm phát, NHNN đã xây dựng chỉ tiêu định hướng tín dụng cả năm tăng khoảng 18 %, có điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế. Trên cơ sở đó, trong điều hành, NHNN đã có nhiều giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tăng cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế. Năm 2017, tăng trưởng tín dụng thực tế đạt 18,17 %, phù hợp với định hướng đầu năm, đặc biệt trong điều kiện giải ngân vốn đầu tư công gặp khó khăn, thì tín dụng đã tăng ngay từ tháng đầu năm, góp phần thúc đẩy để cải thiện tốc độ tăng trưởng kinh tế ngay trong quý II/2017.
Thứ ba, tín dụng mở rộng đi đôi với an toàn, hiệu quả, tập trung vốn vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh (chiếm khoảng 80 % tổng dư nợ), nhất là lĩnh vực ưu tiên. Đến tháng 11/2017, tín dụng đối với ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 26,93 %; tín dụng đối với ngành bán buôn và bán lẻ tăng 23 % và chiếm tỷ trọng 17,8 % (cùng kỳ năm 2016 là 14,02 % và 16,46 %). Đặc biệt, tín dụng tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên của chính phủ như: tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tăng 22,1 %; tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng 11,53 %; tín dụng đối với ngành công nghiệp ưu tiên phát triển tăng khá mạnh với tốc độ ước đạt 22,13 %; cho vay ứng dụng công nghệ cao ước tăng 20 %; tín dụng đối với lĩnh vực xuất khẩu tăng 14,03 %...
Thứ tư, tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro được kiểm soát chặt chẽ. Đến tháng 11/2017, tỷ trọng tín dụng cho các ngành có tính rủi ro cao có chiều hướng giảm như tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản giảm từ 7,71 % năm 2016 xuống 6,53 % tổng dư nợ, tín dụng đối với lĩnh vực chứng khoán chỉ chiếm khoảng 0,17 % tổng dư nợ”. Năm 2018 được dự báo là nền kinh tế tăng tốc nhanh. Mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ cụ thể để hỗ trợ tăng trưởng ở mức hợp lý và góp phần kiểm soát lạm phát như mục tiêu của chính phủ: “Năm 2018, kinh tế thế giới và trong nước được dự báo có yếu tố thuận lợi nhưng cũng đan xen những khó khăn, thách thức.
Trên cơ sở các mục tiêu của quốc hội, chính phủ và đánh giá kinh tế vĩ mô, tiền tệ, năm 2018 NHNN định hướng tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 16 %, tín dụng tăng khoảng 17 %, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế. Các trọng tâm điều hành bao gồm:
Thứ nhất, điều hành linh hoạt nghiệp vụ thị trường mở phù hợp với diễn biến thị trường, tình hình vốn khả dụng của TCTD để hỗ trợ ổn định thị trường tiền tệ, góp phần thực hiện mục tiêu chính sác tiền tệ.
Thứ hai, điều hành lãi suất phải phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát và thị trường tiền tệ. Trong đó, NHNN sẽ ưu tiên các công cụ hỗ trợ để các TCTD có điều kiện giảm lãi suất theo hướng mở rộng toàn hệ thống.
Thứ ba, tiếp tục điều hành tỷ giá linh hoạt, phù hợp với diễn biến thị trường các cân đối vĩ mô, tiền tệ và mục tiêu.
Thứ tư, điều hành các giải pháp tín dụng nhằm kiểm soát quy mô tín dụng phù hợp với chỉ tiêu định hướng nhưng có linh hoạt; đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi hơn trong việc tiếp cận tín dụng nhưng không lơ là kiểm soát rủi ro”.
Về du lịch: Năm 2017, du lịch Việt Nam đạt được những thành tựu lớn, được đảng và nhà nước ghi nhận: đón hơn 12,9 triệu khách quốc tế, tăng 29 % so với năm 2016; phục vụ hơn 73 triệu lượt khách nội địa, tăng 18 % so với năm 2016. Tổng thu từ du lịch đạt hơn 510.000 tỷ đồng, tăng 22 % so với 2016; đóng góp của ngành du lịch ước đạt 7,5 % GDP. Lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam năm 2017 đạt 2 kỷ lục, tổng số khách nhiều nhất và mức tăng tuyệt đối trong năm nhiều nhất (3 triệu lượt). Để thực hiện Nghị quyết 08/NQ-TƯ về du lịch, ngành du lịch sẽ xác định các giải pháp sau để biến ngành du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn:
- Phát triển nguồn khách ổn định từ các thị trường Đông Nam Á, Nhật Bản, Hàn Quốc, Châu Âu, Mỹ, Úc, đồng thời chú trọng thu hút khách du lịch từ các thị trường có tiềm năng lớn như Trung Quốc, Ấn Độ và các thị trường mới nổi khác.
- Phát triển doanh nghiệp, tạo cơ chế khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp lớn đóng góp vào quá trình cơ cấu lại ngành du lịch, nhất là các doanh nghiệp thu hút nhiều khách du lịch quốc tế đến, trực tiếp đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật ngành du lịch. Đồng thời, tạo môi trường thuận lợi để các doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ phát triển.
- Về phát triển nguồn nhân lực, bên cạnh việc kiện toàn và phát huy vai trò của các cơ sở đào tạo chính quy của nhà nước, cần thúc đẩy sự tham gia vào công tác, phát triển nguồn nhân lực du lịch của các doanh nghiệp, đẩy mạnh xã hội hoá công tác phát triển nguồn nhân lực du lịch; quan tâm đào tạo cả đội ngũ lao động nghề du lịch, quản lý doanh nghiệp và quản lý nhà nước, nhấn mạnh đến các yêu cầu của đầu ra dựa trên nhu cầu thực tế.
- Về quản lý nhà nước về du lịch, nhanh chóng đưa các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Du lịch 2017 vào cuộc sống; hoàn thiện hệ thống pháp luật về du lịch và các lĩnh vực liên quan; kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước về du lịch theo hướng đồng bộ, chuyên nghiệp, hiệu lực và hiệu quả, đáp ứng yêu cầu quản lý liên ngành, liên vùng của hoạt động du lịch.
- Về phát triển kinh tế tư nhân: Kinh tế tư nhân sẽ là động lực tăng trưởng của nền kinh tế, đặc biệt là tạo ra nhiều việc làm giúp cho sự ổn định xã hội. Thực tế thời gian qua cho thấy, quản lý vốn của kinh tế tư nhân hiệu quả hơn các thành phần khác và điều đó giúp cho đầu tư toàn xã hội tốt hơn. Trong một số ngành thuần tuý kinh tế - xã hội nhất định, kinh tế tư nhân hoàn toàn có thể lớn mạnh, làm chủ những ngành, hàng, lĩnh vực đó nếu có thực lực, uy tín, kinh nghiệm và có thương hiệu.
Những chính sách gần đây của chính phủ rõ ràng đã nâng những đóng góp của kinh tế tư nhân lên một tầm quan trọng hơn, xứng tầm với những giá trị nó tạo ra. Các doanh nghiệp tư nhân ngày càng có cơ hội và bình đẳng tiếp cận các nguồn lực xã hội như vốn, đất đai và thông tin, cũng như có nhiều cơ hội mở rộng kết nối với kinh tế quốc tế. Nhìn vào hệ thống pháp lý thương mại thay đổi trong vòng 10 năm gần đây cho thấy đã minh bạch, rõ ràng hơn. Đặc biệt là các văn bản hướng dẫn dưới luật thông thoáng, dễ hiểu và hầu hết các chính sách mới ban hành đều có góp ý từ phía doanh nghiệp tư nhân, những đối tượng chịu tác động chính. Cộng đồng doanh nghiệp đang kỳ vọng lớn vào một chính phủ hành động, chỉ có hành động mới thay đổi được những tồn tại, vướng mắc của nền kinh tế hiện nay.
Mọi người tin tưởng, với những kiến tạo từ chính phủ, khu vực kinh tế tư nhân cũng sẽ có động lực để phát triển ngày càng lớn mạnh và kéo theo nền kinh tế Việt Nam sẽ vẫn tiếp đà tăng trưởng tốt. Ông Lê Quang Huy - Phó Chủ nhiệm UBKHCN Quốc hội, cho rằng: “Thế giới đã trải qua ba cuộc cách mạng công nghiệp kể từ năm 1874 và đang bước vào cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Cuộc cách mạng này được khởi phát ở các nước phát triển từ những năm 2000 với tên gọi là cuộc cách mạng số, thông qua các công nghệ như Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), thực tế ảo (VR), tương tác thực tại ảo (AR), mạng xã hội, điện toán đám mây, di động, phân tích dữ liệu lớn (SMAC)… để chuyển toàn bộ thế giới thực thành thế giới số. Hiện nay, Cách mạng công nghiệp 4.0 đã vượt ra khỏi khuôn khổ của các nước phát triển và trở thành một điểm mốc phát triển rực rỡ về khoa học và công nghệ trên toàn cầu. Tuy vậy, ở Việt Nam, nó vẫn còn nằm ở dạng khái niệm, tạo cơ hội và cả thách thức cho mọi ngành và mọi thành phần kinh tế.
Nếu tận dụng tốt cơ hội và vượt qua các thách thức, Việt Nam sẽ có khả năng thu hẹp khoảng cách phát triển với các nước tiên tiến và thực hiện được mục tiêu sớm trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại hoá. Nếu ngược lại, khoảng cách phát triển của Việt Nam với các nước đi trước sẽ tiếp tục gia tăng. Công cuộc đổi mới do đảng khởi xướng và lãnh đạo đã tạo đà cho sự phát triển mạnh mẽ của khoa học - công nghệ và chúng ta có cơ sở để tin rằng Việt Nam sẽ không bỏ lỡ con tàu đang chạy như vũ bão này”.