To renew the training program of the School of Materials Science and Engineering, HUST
VIỆN KHOA HỌC VÀ KỸ THUẬT VẬT LIỆU
Trường ĐHBK HN
I. BỐI CẢNH CÔNG NGHIỆP VÀ LUYỆN KIM THẾ GIỚI
Kể từ sau khủng hoảng kinh tế thế giới vào những năm 1970 ngành thép nói riêng và ngành luyện kim nói chung đã có nhiều thay đổi. Đến nay sản lượng thép thế giới vẫn liên tục tăng lên, phân bố địa – luyện kim thế giới đã hoàn toàn khác. Trước đây, các tập đoàn quốc gia dẫn đầu về thép là ở Anh, Pháp, Mỹ, Nga thì nay đã chuyển sang Hàn Quốc, Trung Quốc và Ấn Độ. Tại trung tâm công nghiệp thế giới là Châu Âu thì sản lượng thép ngày càng giảm sút, thậm chí nhiều tập đoàn thép bị giải thể. Bức tranh đó thể hiện khá rõ qua thống kê về người làm việc trong lĩnh vực thép ở một số nước trên thế giới (bảng 1).
Từ đây, vấn đề đào tạo nhân lực cũng như nghiên cứu ở các cơ sở đào tạo và nghiên cứu cũng có nhiều thay đổi. Hầu hết các trường đại học hàng đầu thế giới về Luyện kim cũng đã định hướng rộng hơn là về đào tạo và nghiên cứu vật liệu, ví dụ trường Colorado of mining, trường Alabama ở Mỹ. Còn các trường không dẫn đầu về luyện kim trước đây thì không đào tạo và nghiên cứu về luyện kim nữa hoặc có thì nằm trong lĩnh vực về vật liệu. Việc điều chỉnh hướng nghiên cứu và đào tạo ở Massachusett Institute of Technology (MIT) của Mỹ cũng theo xu hướng chung của thế giới.
Trong bảng 2 đã tập hợp những trường đại học hàng đầu về luyện kim trên thế giới cùng các chuyên ngành và định hướng chuyên sâu.
II. TÌNH HÌNH ĐÀO TẠO NGÀNH LUYỆN KIM VÀ VẬT LIỆU TRÊN THẾ GIỚI
Dưới đây sẽ phân tích mục tiêu đào tạo ngành luyện kim và vật liệu và các hướng nghiên cứu chuyên sâu. Cũng sẽ đề cập tới vấn đề thời gian đào tạo hiện nay đối với cấp đại học.
Mô hình đào tào đại học hiện nay phản ánh mục tiêu và trình độ phát triển của các nước. Sự lựa chọn mô hình đào tạo cho mỗi nước phụ thuộc vào mức độ đáp ứng cân đối nhu cầu phát triển hội địa và khả năng toàn cầu hóa.
Trong khi các nước phát triển hàng đầu (ví dụ nhóm G7) đặt mục tiêu “dẫn dắt”, thì các nước còn lại tập trung vào việc “hội nhập” và/hoặc “thỏa mãn” nhu cầu trong nước.
Nước | 1974 | 1990 | 1996 | 1997 | 1998 | 1999 | 2000 |
Austria | 44 | 21 | 13 | 12 | 12 | 12 | 12 |
Belgium | 64 | 26 | 23 | 21 | 20 | 20 | 20 |
Denmark | 2 | 1 | 1 | 1 | 1 | 1 | 1 |
Finland | 12 | 10 | 7 | 7 | 8 | 7 | 8 |
France | 158 | 46 | 39 | 38 | 38 | 38 | 39 |
FR Germany (1) | 232 | 125 | 86 | 82 | 80 | 78 | 77 |
Greece | 0 | 3 | 2 | 2 | 2 | 2 | 2 |
Ireland | 1 | 1 | 0 | 0 | 0 | 0 | 0 |
Italy | 96 | 56 | 39 | 37 | 39 | 39 | 39 |
Luxembourg | 23 | 9 | 5 | 5 | 4 | 4 | 4 |
Netherlands | 25 | 17 | 12 | 12 | 12 | 12 | 12 |
Portugal | 4 | 4 | 2 | 2 | 2 | 2 | 2 |
Spain | 89 | 36 | 24 | 23 | 22 | 22 | 22 |
Sweden | 50 | 26 | 14 | 14 | 14 | 13 | 13 |
United Kingdom | 197 | 51 | 37 | 36 | 34 | 31 | 29 |
European Union | 996 | 434 | 306 | 293 | 290 | 280 | 278 |
Yugoslavia (2) | 42 | 69 | 17 | 17 | 17 | 15 | 15 |
Canada | 77 | 53 | 53 | 53 | 55 | 57 | 56 |
United States | 521 | 204 | 167 | 163 | 160 | 153 | 151 |
Brazil | 118 | 115 | 79 | 74 | 63 | 59 | 63 |
South Africa | 100 | 112 | 71 | 70 | 61 | 54 | 56 |
Japan | 459 | 305 | 240 | 230 | 221 | 208 | 197 |
Republic of Korea | n/a | 67 | 66 | 64 | 59 | 58 | 57 |
Australia | 42 | 30 | 21 | 20 | 20 | 24 | 21 |
World Production | 644 (3) | 770 | 750 | 799 | 777 | 789 | 848 |
Bảng 1. Số việc làm trong công nghiệp thép của các nước trên thế giới (đơn vị: nghìn việc làm)
Sau sự “sụp đổ” của hệ thống XHCN vào những năm chín mươi của thế kỷ trước, hệ đào tạo “tinh hoa” (Kỹ sư: 5-5,5 năm; TS: 3-4 năm) phổ biến ở châu Âu và các nước XHCN được thay thế dần bằng hệ đào tạo hướng “ứng dụng” (Cử nhân: 3,5-4 năm; Thạc sỹ: 1,5-2 năm; và TS: 3-4 năm) chủ yếu bắt nguồn từ Bắc Mỹ (bảng 2). Hiện nay hệ đào tạo thứ 2 đang áp đảo ở hầu hết các quốc gia. Rất ít nước (như LB Nga, Đức, Việt Nam, Ấn Độ, v.v…) áp dụng đồng thời cả hai hệ đào tạo kể trên (trong đó bậc đại học 5-5,5, năm vốn được xem tương đương với trình độ cao học). Sự tồn tại song hành hai hệ trên có thể phù hợp với giai đoạn “chuyển tiếp”. Xu thế nhất thể hóa hệ đào tạo là không thể cưỡng nổi trong những giai đoạn sau.
Xu hướng “rộng hóa” ở trình độ cử nhân và trình độ thạc sỹ thể hiện rất rõ trong chương trình và tên ngành đào tạo của các trường đại học. Trình độ tiến sỹ chỉ được thiết kế cho mục đích nghiên cứu của các trường và viện nghiên cứu, phù hợp với các định hướng và mục tiêu nghiên cứu – phát triển của mỗi quốc gia, theo hướng hẹp và chuyên sâu.
Đối với ngành Luyện kim và Vật liệu, các chuyên ngành đào tạo tương ứng với các công nghệ đặc thù không còn thích hợp nữa. Thay vào đó là các ngành rộng hơn phân chia theo ba nhóm:
– Nhóm kiến thức nền tảng: ví dụ như khoa học vật liệu, khoa học và công nghệ vật liệu, kỹ thuật/công nghệ luyện kim
– Nhóm kỹ thuật cơ bản: ví dụ như kỹ thuật kiểm tra và đánh giá đặc trưng vật liệu, kỹ thuật vật liệu
– Nhóm các vật liệu cốt lõi: ví dụ như vật liệu kim loại, gốm/ceramic, hữu cơ/polyme, vật liệu điện tử, vật liệu y sinh, vật liệu nano,…